Giới thiệu chung
Vệ sinh an toàn thực phẩm hay an toàn thực phẩm hiểu theo nghĩa hẹp dùng để mô tả việc xử lý, chế biến, bảo quản và lưu trữ thực phẩm bằng những phương pháp phòng ngừa, phòng chống bệnh tật do thực phẩm gây ra. Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng bao gồm các quy trình, quy định áp dụng trong từng khâu chế biến cần được thực hiện để tránh các nguy cơ sức khỏe tiềm năng nghiêm trọng. Hiểu theo nghĩa rộng, vệ sinh an toàn thực phẩm là toàn bộ những vấn đề cần xử lý liên quan đến việc đảm bảo vệ sinh đối với thực phẩm nhằm đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng. Đây là một vấn đề và nguy cơ rất lớn mà các nước đang phát triển đã và đang phải đối mặt như Việt Nam, Trung Quốc
Thực phẩm có thể truyền bệnh từ người sang người cũng như là môi trường phát triển cho các vi khuẩn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Hiểu được vấn đề này, năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật an toàn thực phẩm 55/2010/QH12 quy định một cách toàn diện về vấn đề an toàn thực phẩm. Luật an toàn thực phẩm đưa ra một hệ thống các quy đinh từ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm cùng với điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm đến những quy định đối với việc quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.. Luật an toàn thực phẩm là bước đầu tiên của quá trình đổi mới cách thức quản lý, trách nhiệm cũng như cách nhìn nhận của toàn xã hội về vấn đề an toàn thực phẩm.
Nội dung của Luật an toàn thực phẩm
Luật an toàn thực phẩm gồm 11 chương và 72 điều bao gồm :
Chương I: Các quy định chung ;
Chương 2: Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong đảm bảo an toàn thực phẩm;
Chương 3: Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm;
Chương 4: Điều kiện đảm bảo chất lượng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Chương 5: Chứng nhận cơ sở đủ điều an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
Chương 6: Xuất – nhập khẩu thực phẩm;
Chương 7: Quảng cáo, ghi nhãn sản phẩm;
Chương 8: Kiểm nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm;
Chương 9: Thông tin giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm;
Chương 10: Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Chương 11: Các điều khoản thi hành
Vai trò của luật an toàn thực phẩm
Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, duy trì và phát triển nòi giống, tăng cường sức lao động, học tập, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa xã hội. Mặc dù vậy cho đến nay các bệnh do kém chất lượng về vệ sinh thực phẩm và thức ăn ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Nắm vững về Luật An toàn thực phẩm là trách nhiệm của nhà nước cùng các bộ ngành liên quan, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân để nâng cao chất lượng đời sống cho người dân Việt Nam. Trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt qua đó tiến đến mục tiêu xuất khẩu hàng thực phẩm Việt Nam ra toàn khu vực cũng như thế giới.