Nghị định 38 nói rõ: “Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm (sau đây gọi chung là sản phẩm) đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường “ , “ Sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực “ . Đây là một bước tiến mới nhắm thúc đẩy chất lượng an toàn thực phẩm ở Việt Nam, khẳng định nỗ lực của nhà nước trong việc quy chuẩn mọi sản phẩm thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Để công bố hợp quy, sản phẩm cần được chứng nhận hợp quy bởi một bên thứ ba độc lập, nhằm minh chứng sự đáp ứng của sản phẩm đối với các quy chuẩn tương ứng trước khi ra thị trường. Đến nay đã có 52 quy chuẩn quốc gia cho các loại sản phẩm bao gồm sữa, nước đóng chai, thức ăn công thức cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ… và nhiều loại phụ gia thực phẩm.
Bên cạnh đó, để tránh việc chồng chéo trong công tác quản lý, nghị định 38 còn phân công rõ trách nhiệm của ba bộ trong việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó, Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với: Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc; thịt và các sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm từ mật ong; thực phẩm biến đổi gen; muối; gia vị; đường; chè; cà phê; cacao; hạt tiêu; điều và các nông sản thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; Bộ Công thương quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa đựng thuộc phạm vi quản lý.
Nghị định 38 ra đời đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ của nhà nước trong công tác quản lý an toàn thực phẩm với nỗ lực quy chuẩn hóa các sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường, từng bước đưa Luật an toàn thực phẩm đến với mọi doanh nghiệp.