Theo đó, Công ty cổ phần Bigstar Việt Nam (số 42 đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bị xử phạt 4 triệu đồng do không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến.
Ảnh minh họa.
Chủ hộ kinh doanh Vũ Lệ Hằng - Bò nhúng dấm 555 (138A phường Giảng Võ, quận Ba Đình); chủ hộ kinh doanh Mường Hoa (căn 402 HH1B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cùng bị xử phạt mức 12,5 triệu đồng do kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Cùng mắc lỗi này, Công ty cổ phần Five Spices (số 374 đường phố Huyện, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai); Công ty TNHH Greensky Quốc tế (số 10E, ngõ 145/5 đường Phúc Lợi, phường Phúc Lợi, quận Long Biên) bị xử phạt mức 25 triệu đồng.
Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thế giới hải sản (số 06/H1 Khu đô thị mới Yên Hòa - Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn đã bị xử phạt 16 triệu đồng.
Công ty TNHH đầu tư nước sạch và môi trường Thanh Oai (địa chỉ thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) bị xử phạt 35 triệu đồng do lỗi cung cấp nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt không bảo đảm quy trình kỹ thuật về chất lượng nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở.
Để bảo vệ sức khỏe của người dân, thời gian qua, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể...
Cụ thể, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND về cao điểm truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2024 - 2025.
Kế hoạch cao điểm truyền thông về an toàn thực phẩm Hà Nội giai đoạn 2024 - 2025 được ban hành nhằm tạo chuyển biến thực chất trong nhận thức và hành động của các chủ thể bao gồm người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục an toàn thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ nay đến cuối năm, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường, trong đó, Thành phố tập trung triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục.
Hà Nội sẽ rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý. Đồng thời, cơ quan chức năng điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hoá có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học.
Bên cạnh đó, Thành phố triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được thực hiện nghiêm túc thường xuyên, liên tục; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo các bác sỹ, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm...
Đặc biệt, nếu ăn trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì.
Việc sử dụng các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng còn tồn dư trong các loại thực phẩm sẽ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại gây ung thư.