Sản phẩm chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho mật ong bạc hà của tỉnh hà Giang (gọi tắt là mật ong bạc hà) chủ yếu do các giống ong mật Apis cerana thu về và chế biến từ mật hoa của các loài cây thuộc chi kinh giới (Elsholtzia spp.) và người địa phương gọi là “cây, hoa và mật ong bạc hà”. Các loài cây này mọc tự nhiên, ra hoa và tiết mật vào cuối tháng 10-12 hằng năm ở một số vùng của Cao nguyên Đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang. Vào mùa khai thác, mật ong bạc hà có giá từ 500-800 nghìn đồng/kg, cao nhất ở thị trường nước ta hiện nay, nên dễ xảy ra việc trộn mật ong bạc hà với mật ong có sản lượng cao và giá bán thấp như mật ong rừng để tăng lợi nhuận. Gần đây, mật ong rừng được ong thu về từ mật hoa và người nuôi ong khai thác vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè ở vùng núi phía bắc như Điện Biên, Sơn La với sản lượng hàng chục tấn/năm. Mật ong rừng có màu sắc tương đối giống với mật bạc hà. Hơn nữa, mật ong rừng không có mùi đặc trưng nên không thể phân biệt bằng cảm quan giữa 2 loạị mật, đặc biệt là mật bạc hà tự nhiên và mật bạc hà bị pha trộn với mật ong rừng. Nghiên cứu gần đây của Viện An toàn Thực phẩm dựa vào đường kính vòng kháng khuẩn của mật ong cho thấy 30% số mẫu mật ong bạc hà thu thập trên thị trường bị trộn lẫn từ 30-50% mật ong rừng.
Đồng thời, kết quả nghiên cứu trên còn cho thấy, một số mẫu mật ong bạc hà bị làm giả, không có vòng kháng khuẩn và lại có mùi tinh dầu bạc hà. Khi được phỏng vấn nhiều người bán hàng và người tiêu thụ đều hiểu chưa đúng và cho rằng: “mật ong bạc hà” thì phải có “mùi bạc hà”. Vì vậy người tiêu dùng cần lưu ý: thực tế “mật ong bạc hà” là sản phẩm do ong mật thu về và chế biến từ mật hoa của các loài cây thuộc chi kinh giới, nên “không có mùi tinh dầu bạc hà”.
FSI