Cây hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson hoặc Polygonum multiflorum), thuộc họ rau răm (Polygonaceae). Do có chứa hàm lượng TSG (2,3,5,4’-tetrahydroxystilben-2-O-β-D-glucosid) cao, củ hà thủ ô đỏ có tác dụng chống lão hóa, gan nhiễm mỡ, khối u, kích thích mọc tóc với người bị rụng tóc, làm đen tóc đối với người bạc tóc sớm. Hà thủ ô đỏ được trồng, khai thác, chế biến và thương mại ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Ở nước ta, hà thủ ô đỏ phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía bắc như Lai Châu, Điện Biên, Lao Cai, Hà Giang, Sơn La… và được đưa vào Dược điển Việt Nam. Hiện nay, người tiêu dùng, nhất là các công ty dược thường nhập củ hà thủ ô đỏ đã thái lát và sấy khô để chế biến sau đó phân phối cho các đại lý bán lẻ hoặc xuất khẩu.
Cây củ nâu (Dioscorea cirrhosa Lour.), thuộc họ Củ nâu (Dioscoreaceae). Bên cạnh công dụng để nhuộm quần áo, củ nâu có thể sử dụng để sát trùng, cầm máu. Thực tế, khó có thể phân biệt bằng mắt thường giữa các lát củ nâu và củ hà thủ ô đỏ khô. Do giá trị y học và thương mại cao nên hà thủ ô giả, hà thủ ô bị trộn lẫn với củ nâu đã và đang xảy ra ở thị trường nước ta làm ảnh hưởng đến vai trò bảo vệ sức khỏe đích thực của loại dược thảo này.
Kết quả nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử của Viện An toàn Thực phẩm (FSI) phối hợp với Viện Công nghệ Sinh học trên các lát cắt khô của hà thủ ô đỏ trên thị trường nước ta cho thấy, có tới 40% số mẫu bị trộn với lát cắt của củ nâu. Vì vậy, khi mua Hà thủ ô đỏ thái lát khô, người tiêu dùng phải tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm.
FSI