Tam thất bắc (Panax notoginseng (Burk.) F. H. Chen) thuộc chi sâm (Panax L.) trong họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Củ tam thất bắc là dược thảo để phòng trị nhiều loại bệnh ở người, bao gồm cả những bệnh nan y. Trong củ tam thất có chứa các hợp chất saponin thuộc nhóm ginsenoside như Rc, Rd, Re, Rb1 và Rg1... Sau khi thu hoạch củ tam thất bắc chủ yếu được sấy khô bán nguyên củ hoặc xay thành bột và sử dụng theo một số bài thuốc cổ truyền để phòng trị các bệnh ung thư, đông máu, tiểu đường… Mỗi năm hàng trăm tấn củ và bột tam thất bắc được sản xuất và xuất khẩu từ các tỉnh phía nam Trung Quốc sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo một số nhà chế biến và kinh doanh tam thất bắc, do giá trị y học và thương mại cao, bột từ củ tam thất bắc đang bị trộn lẫn với bột của một số loài tam thất khác như tam thất khương thuộc chi Stahlianthus để giảm giá thành và thu lợi nhuận cao. Nhiều loài tam thất khương cũng đang được trồng với diện tích lớn để thu hoạch củ, sơ chế thành bột và thương mại ở nhiều tỉnh miền núi phía bắc của Việt Nam, phía nam của Trung Quốc, phía bắc Lào, phía bắc Thái Lan… Củ của nhiều loài tam thất khương cũng là dược thảo nhưng không chứa một số chất trong hợp chất saponin như tam thất bắc nên giá trị thương mại thấp. Bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể phân biệt được bột tam thất bắc bị pha trộn với bột tam thất khương.
Kết quả xác thực bằng chỉ thị phân tử gần đây cho thấy trong 11 lọ bột tam thất nhập ngoại, chỉ có 7 mẫu là tam thất bắc không bị trộn, trong khi 4 mẫu bị trộn với bột tam thất khương. Kết quả nghiên cứu nhằm khuyến cáo người tiêu dung hãy thận trọng với sản phẩm tam thất bắc trong nước cũng như nhập khẩu bị gian lận thương mại trên thị trường.
FSI