Các loài trong chi sâm (Panax L.) thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae), phân bố chủ yếu ở Châu Á, Bắc Mỹ và được gọi theo nguồn gốc như sâm Hàn Quốc (Panax ginseng C.A.Mey), sâm Mỹ (P. quinquefolius L.)… Ở Việt Nam, một số loài thuộc chi sâm đã được xác định như tam thất hoang lá tròn (Panax stipuleanatus Tsai & Feng, 1975), tam thất hoang lá xẻ (Panax bipinnatifidum Sem. 1868), tam thất bắc (P. notoginseng (Burk.) Chow & Huang 1975), sâm Ngọc Linh (P. vietnamensis Ha & Grushv. 1985)... Vai trò y học và giá trị thương mại của các loại sâm tùy thuộc vào hàm lượng và thành phần các chất thuộc nhóm saponin có trong củ (rễ) sâm. Trong các loại sâm, sâm Ngọc Linh có giá tới hàng trăm triệu đồng/kg. Có thể dựa vào đặc điểm hình thái của cả cây sâm để phân biệt sâm Ngọc Linh với một số loài khác thuộc chi sâm. Nhưng thực tế, ngoài thị trường chủ yếu bán sản phẩm là củ sâm. Trong khi củ sâm Ngọc Linh tươi, khô về hình thái rất giống với củ của một số loài khác như tam thất hoang lá xẻ, tam thất hoang lá tròn… nên người tiêu dùng rất khó phân biệt. Vì lợi nhuận, gian lận thương mại bằng cách trộn lẫn củ của loài sâm có hình thái tương tự với củ sâm Ngọc Linh đã được phát hiện trên thị trường của nước ta.
Kết quả nghiên cứu gần đây về xác thực củ sâm ngọc linh ứng dụng chỉ thị phân tử cho thấy, trong 8 mẫu củ sâm có 6 củ là sâm Ngọc Linh, 2 củ là tam thất hoang. Đặc biệt, trong 6 củ được xác định là sâm Ngọc Linh, một củ được gắn từ 2 nửa củ, nửa trên là sâm Ngọc Linh và nửa kia là tam thất hoang. Kết quả nghiên cứu không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như bảo vệ thương hiệu của sản phẩm được coi như “quốc bảo” này của Việt Nam, mà còn khuyến cáo người tiêu dung hãy thận trọng khi mua củ sâm ngọc linh, đặc biệt là những sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
FSI