Nắng nóng là điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển
Theo Cục An toàn thực phẩm, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho côn trùng như ruồi nhặng, chuột... và vi khuẩn gây bệnh phát triển. Theo đó nhiệt độ lên cao rất dễ làm cho thức phẩm bị ôi thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn, đây là nguyên nhân gây ra các bệnh đường tiêu hóa và nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Cục cũng đưa ra lưu ý, với những thực phẩm có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa… thì tỉ lệ nguy cơ bị ôi thiu hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập rất cao.
Vì thế việc đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thức ăn và các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè là điều cần thiết. Nhưng thực trạng cho thấy việc ăn uống an toàn chưa được coi trọng nhất là đối với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có thói quen sử dụng thức ăn đường phố.
Không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa nắng nóng khiến tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày một gia tăng. Ảnh: Hạ Quyên
Theo kết quả điều tra của Cục An toàn thực phẩm, kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể nhưng "thực hành đúng" về an toàn thực phẩm còn khá hạn chế. Trên địa bàn TP.HCM vẫn còn rất nhiều điểm kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như bán thức ăn tại các địa điểm ô nhiễm, sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc, chất lượng, không sử dụng găng tay, khẩu trang khi chế biến đồ ăn...
Các hạn chế trên đều là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Nguyên tắc phòng ngừa
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh được ngộ độc thức ăn, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, Cục An toàn thực phẩm đưa ra các lưu ý dưới đây.
Người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm.
Khi chế biến thực phẩm cần bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện "ăn chín, uống sôi".
Ăn chín, uống sôi, vệ sinh chân tay sạch sẽ... là những biện pháp phòng tránh ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng. Ảnh: Internet
Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh phải chú ý cả hai mặt lợi và hại của chiếc tủ lạnh. Cục An toàn thực phẩm lưu ý, tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Vì thế nếu dự trữ quá nhiều thực phẩm, không khí lạnh không lưu thông được sẽ làm thực phẩm nhanh hỏng hơn.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần sơ chế thực phẩm trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Không để thực phẩm chính chung với thực phẩm sống vì dễ bị lây nhiễm chéo... làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm.
Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm thì người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, trách nhiệm trong bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm.
Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Theo HẠ QUYÊN/plo.vn