Tiểu thương buôn bán tại chợ đầu mối Ðền Lừ (Hà Nội)
Thành phố Hà Nội hiện có hai chợ đầu mối lớn là Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và chợ đầu mối Ðền Lừ (quận Hoàng Mai). Ðây là hai kênh phân phối nông sản thực phẩm chủ yếu cho các khu chợ dân sinh trong thành phố (không loại trừ cho cả các cửa hàng nông sản nhỏ lẻ, bếp ăn trường học, công sở…). Tuy nhiên, đến nay chưa có một kết luận chính thức về ATVSTP của những mặt hàng được bày bán trong các khu chợ này. Ngoài hai chợ đầu mối nêu trên, TP Hà Nội còn có chợ cá tại Yên Sở, chợ đêm Ngã Tư Sở, chợ Hà Vĩ, huyện Thường Tín… phục vụ nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô.
Có mặt tại chợ Ðền Lừ (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), chứng kiến cảnh mua, bán tấp nập tại đây, chúng tôi ngỡ ngàng trước khối lượng nông sản, thực phẩm cũng như sức mua của người dân đến chợ. Ngoại trừ số ít người dân sinh sống gần chợ chỉ mua với số lượng ít, còn hầu hết người đến chợ là những tiểu thương mua thực phẩm về bán lại tại các khu chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ. Việc mua, bán diễn ra nhanh chóng. Chỉ khoảng 8 giờ sáng, các loại phương tiện chuyên chở đã được chất đầy nông sản, thực phẩm để kịp đem đi bày bán tại các khu chợ dân sinh trong thành phố.
Theo Ban quản lý chợ Ðền Lừ, hiện nay chợ có khoảng 700 hộ đăng ký kinh doanh cố định (chiếm khoảng 30% số quầy hàng trong chợ), còn lại là những người kinh doanh tự phát từ các địa phương ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Hưng Yên... Chợ đầu mối đa dạng, phong phú về chủng loại nông sản, thực phẩm, nhưng lại khó kiểm soát nguồn gốc chất lượng của các mặt hàng này. Ban quản lý chợ chỉ có thể kiểm soát chặt chẽ chất lượng tại các quầy hàng đã được cấp phép đăng ký kinh doanh, còn lại là hầu như thả nổi.
Việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nông sản, thực phẩm ở chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cũng gặp khó tương tự. Trong tổng số hơn 600 hộ kinh doanh tại chợ, thì có đến hơn 100 hộ không phải là người địa phương. Họ chủ yếu thu mua lại nông sản, thực phẩm của người dân trên địa bàn và các vùng lân cận, cho nên rất khó kiểm soát chất lượng nông sản, thực phẩm.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ, để bảo vệ người tiêu dùng, Sở đã kiến nghị Bộ NN và PTNT sớm ban hành bộ quy định tiêu chí cụ thể cho các chợ đầu mối, chợ bán buôn hàng hóa nông sản. Và trong khi chờ đợi Bộ tiêu chí có tính chất khung ra đời, Sở NN và PTNT chủ động đề xuất thành lập đội liên ngành gồm thanh tra, quản lý thị trường, siết chặt việc kiểm soát chất lượng, nguồn hàng từ các tỉnh được tập kết tại các chợ đầu mối. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế.
Mặc dù biết có thể gặp rủi ro cao về chất lượng hàng hóa và cũng không tránh khỏi thiệt thòi khi gặp những tiểu thương gian dối trong cân đong hàng hóa, thì số lượng những người lựa chọn đến chợ đầu mối thay vì đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi không hề nhỏ. Ông Nguyễn Tiến Trung, sống tại phố Minh Khai cho chúng tôi biết, ngày mới đi chợ đầu mối Ðền Lừ, vì quá tin vào người bán hàng mà ông đã bỏ ra 300 nghìn đồng để mua thịt gà, thịt lợn về ăn. Nào ngờ đây đều là số thịt kém chất lượng, phải đổ bỏ. Ông cho biết, thay vì tìm cách truy xuất nguồn gốc, cách tốt nhất là mua tại những cửa hàng quen thuộc và đã đăng ký kinh doanh với các cơ quan quản lý.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối vẫn còn rất nhiều bất cập, do số thương lái đến chợ luôn biến động, cho nên việc truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm thường xuyên gặp khó khăn. Cùng với đó là thói quen mua bán của phần đông người dân vẫn theo nếp cũ (chủ yếu mua thực phẩm từ các chợ đầu mối, chợ dân sinh và chợ cóc, chợ tạm), trong khi số người tiêu dùng mua thực phẩm tại siêu thị lại rất ít. Ðây cũng chính là lý do dẫn đến việc quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Sở NN và PTNT đã tăng cường giám sát chặt chẽ ở khâu sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết người sản xuất với chuỗi bán lẻ. Ðây được coi là giải pháp vừa bảo đảm cân đối nguồn cung - cầu, vừa tạo điều kiện thuận lợi khi truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối hay tại các khu chợ dân sinh, thì việc dán tem hay đóng dấu vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được thực hiện, bởi thị trường này vẫn phải chờ bộ quy định tiêu chí mà chưa biết bao giờ mới được ban hành.
Theo NGỌC HÀ/nhandan.com.vn