Tại các phiên chợ vùng cao, nhiều mặt hàng không có bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai, tràn lan. Ảnh: Hiếu Trần
Qua khảo sát ở một số phiên chợ vùng cao thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên cũng như khu vực Tây Nam bộ cho thấy, hiện nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở các địa phương vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có những diễn biến phức tạp và đáng báo động. Một trong những nguyên nhân chính là do nguồn thực phẩm sử dụng hằng ngày như thịt, cá và các loại thực phẩm thiết yếu khác thường không sẵn có, hoặc có cũng không đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng nên nhiều địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn phải nhập về từ các thị trấn, thị tứ hoặc vùng tiếp giáp.
Với cung đường xa, cùng với phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe khách hoặc xe máy, sau đó được đưa đến các cửa hàng nhỏ, lẻ rải rác khắp nơi để dễ dàng đến với người tiêu dùng khiến những mặt hàng này có nguy cơ mất ATVSTP rất cao. Mặt khác, ở các vùng miền núi, đa phần người dân ít quan tâm đến vấn đề ATVSTP. Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng sự cả tin và nhận thức hạn chế của đồng bào các dân tộc thiểu số để tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc lên địa bàn vùng cao, biên giới tiêu thụ.
Trong khi đồng bào các dân tộc thiểu số khó phân biệt được hàng thật, hàng giả, hàng không nguồn gốc thì thực phẩm bẩn vẫn liên tục đổ bộ vào các chợ vùng cao biên giới. Mỳ chính Trung Quốc được biến thành Miwon, Vedan. Thịt lợn siêu nạc, bị bơm nước, tiêm thuốc an thần, mỡ bẩn, nội tạng động vật bốc mùi hôi thối được tẩy trắng, tung ra thị trường bán cho người tiêu dùng. Các loại trái cây bày biện đẹp mắt, căng mọng, dán mác hàng ngoại nhập với giá khủng.
Ai dám bảo đảm rằng những loại hoa quả này không hề được ngâm tẩm hóa chất? Chưa kể các loại rau với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao đang được bày bán trên thị trường... Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng hóa chất, các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm đang làm cho người tiêu dùng lo ngại, trong khi cơ quan quản lý dường như vẫn ở thế “lực bất tòng tâm”.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, tại các chợ phiên vùng cao, lâu nay, các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa hết hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc được tư thương trà trộn, bày bán công khai. Những người buôn bán hám lời lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào các dân tộc để bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, rượu rởm về bán.
Có một thực tế là, hiện nay, mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương các cấp ở khu vực miền núi nhằm thắt chặt quản lý ATVSTP, nhất là thực phẩm tươi sống được bán tại các chợ vùng cao, nhưng việc kiểm tra, quản lý ATVSTP vẫn gặp không ít khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do đại đa số bà con tiểu thương ở vùng cao buôn bán nhỏ lẻ, thiếu dụng cụ, trang thiết bị bảo quản và chế biến thực phẩm, ý thức bảo vệ VSATTP cũng như bảo vệ môi trường chưa cao.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc thường xuyên đổ bộ vào các chợ vùng cao biên giới. Ảnh: Hiếu Trần
Cũng theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, để góp phần nâng cao nhận thức về ATVSTP đối với người dân trên địa bàn miền núi, nhất là tiểu thương tại chợ vùng cao, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã vận động phụ nữ thành lập nhiều mô hình hoạt động như Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với thực phẩm bẩn” hay “Phụ nữ chung tay đẩy lùi thực phẩm bẩn”. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng nhiều câu lạc bộ đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức cho các hội viên, phụ nữ trên địa bàn trong việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Nhiều địa phương miền núi còn tổ chức ký cam kết giữa Hội Phụ nữ với Hội Nông dân để cùng nhau bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngăn chặn nguồn thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm bẩn với những nội dung cụ thể như: 3 không (Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt; không sử dụng chất cấm trong bảo quản và chế biến thực phẩm; không kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm bẩn), 3 có (Có ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm; có hiểu biết về quy trình kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và chế biến thực phẩm; có trách nhiệm phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không an toàn)...
Để bảo đảm và phòng ngừa nguy cơ gây mất ATVSTP ở các phiên chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thiết nghĩ, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần phải có sự quan tâm hơn, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng tuyệt đối không để thực phẩm bẩn, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc lưu hành trong địa phương mình. Mặt khác, mỗi người dân cũng phải tự giác, tích cực tham gia và thực hiện tốt ATVSTP. Đã đến lúc, cả cộng đồng phải lên tiếng, ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Theo Hiếu Trần/bienphong.com.vn