“Hoa mắt” với giá các loại thực phẩm chế biến sẵn "nhà làm" (25/01/2019)

Khác với chợ truyền thống, giá cả thường có sự thống nhất “ngầm” thì ở các chợ online, giá cả hàng hóa gần như “mạnh ai nấy bán”. Các loại thực phẩm chế biến sẵn mỗi nơi tự định một mức giá khác nhau, khiến người tiêu dùng “hoa mắt” không biết nên chọn mua rẻ hay mua đắt, mua đắt liệu có phải là hàng chất lượng?

Mua hàng bằng... niềm tin

Tết Nguyên đán càng tới gần, thị trường thực phẩm chế biến sẵn càng sôi động. Ngoại trừ những sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất chuyên nghiệp, hiện nay trên thị trường rất nhiều người tự đứng ra kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn thông qua các trang mạng xã hội. Để phục vụ nhu cầu mua sắm tiêu dùng dịp Tết, nhiều chị em đã tự sắm nguyên liệu rồi chế biến cho ra thành phẩm như các loại thịt khô gồm khô gà, bò, heo; các món nhậu được ưa chuộng thời gian gần đây như bò ngâm dấm, chân gà rút xương xả ớt; tiếp đến là các món Tết truyền thống như cá kho, bánh trưng, bánh tét, giò, chả… đến các loại bánh kẹo, mứt tết.


Hình ảnh quảng cáo giò bê

Bên cạnh sự phong phú về chủng loại thì sự linh hoạt về giá cả cũng hấp dẫn người tiêu dùng. Cùng một mặt hàng nhưng mỗi nơi bán giá một khác, có sản phẩm chênh nhau từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Ví dụ như món giò bê (giò me), ở một trang web chuyên bán hàng đặc sản miền Trung bán mỗi cây giò giá 270.000 đồng/kg, trong khi đó trên một số trang facebook cá nhân lại có giá chỉ 220.000 đồng/kg. Thịt trâu gác bếp có nơi bán 1.400.000/kg nhưng có nơi chỉ bán giá 700.000/kg. Hay mứt dừa non phổ biến nhất, có trang bán 250.000 đồng/kg, nhưng cũng có nơi bán 300.000 đồng/kg, thậm chí vị sầu riêng lên tới 360.000 đồng/kg.


Thịt trâu gác bếp có giá chênh khá cao giữa các nơi bán

Chị Vân Anh, kinh doanh đồ ăn “homemade” cho biết: “Những món ăn nhà làm được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Năm nay bên cạnh khô thịt gà, lợn, chân gà rút xương tự làm, tôi còn bán thêm giò bê chuẩn xịn cho chú ở quê làm chuyển ra. Hiện lượng giò bê cũng đã bán được tới 70% số lượng dự kiến”. Cũng theo chị Vân Anh, bán hàng online đang bùng nổ, người kinh doanh tuyệt đối phải giữ chữ tín vì khách hàng là chính người thân, bạn bè. Còn giá cả trên mạng người bán đã công bố rõ, thường giá khác nhau cho chất lượng sản phẩm khác nhau, người mua có quyền chọn lựa, thuận mua vừa bán.

Đối với người tiêu dùng, thực phẩm “nhà làm” là một giải pháp tiện ích đã giải phóng người nội trợ được cùng lúc hai việc là mua sắm nguyên liệu và chế biến, ngoài ra người bán thường là những người quen biết nên rất tin tưởng. Để chuẩn bị thực phẩm tết, chị Vũ Thu Hương (nhân viên BIDV) đã đặt mua bánh chưng và giò do người quen từ Thái Bình làm, đặt mua cá kho và dưa hành muối từ mẹ của một chị bạn, tất cả đều tự làm và bán trên trang cá nhân. “Cả ban tôi cùng nhau mua, mua của người quen, khen nhiều, nên cảm thấy an tâm”, chị Hương chia sẻ.

Tiềm ẩn mất ATVSTP cao

Các sản phẩm “nhà làm” được người tiêu dùng đặc biệt yêu thích và tin tưởng do mua của người quen, do tiện lợi và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đây lại là mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cao bởi các cơ sở đều sản xuất tự phát, không có kiểm chứng an toàn, chưa kể các nguy cơ đến từ việc bảo quản và chu trình vận chuyển đồ ăn.

Hầu hết người bán hàng đều cam kết nguồn gốc “tự làm”, “người thân trực tiếp làm”, hay do các mối quen uy tín đã được kiểm chứng, chất lượng ngon, đảm bảo ATVSTP, với các cụm từ “ngon, đảm bảo chất lượng 100%”, “không chất bảo quản, phụ gia”, thậm chí nhiều người còn cam kết “đền gấp 10” nếu sản phẩm không đúng chất lượng. Tuy nhiên, tất cả chỉ là những lời cam đoan bằng miệng.

Cẩn thận và chuyên nghiệp hơn, nhiều cá nhân đã đầu tư bao bì, máy hút chân không để đóng gói sản phẩm, in logo, thậm chí hạn sử dụng nhưng lại không có các thông tin cụ thể về sản phẩm. Chất lượng sản phẩm vẫn chỉ được đảm bảo bằng “niềm tin”.

Trong khi đó, theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời điểm áp Tết, lượng tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Vì vậy, nguy cơ thực phẩm mất an toàn của các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” rất lớn.

Đánh vào tâm lý của người tiêu dùng ưa chuộng các món ăn “nhà làm” bởi cảm giác được yên tâm về độ sạch khi không chất bảo quản, phụ gia, nhiều cá nhân tổ chức sẵn sàng sản xuất “chui” các mặt hàng và trà trộn vào thị trường này. Đã có nhiều trường hợp sản phẩm được quảng cáo là “handmade” thực chất là hàng sản xuất bán công nghiệp.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm ATVSTP Tết Nguyên đán 2019, lực lượng chức năng đã và đang tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng... Tuy nhiên, đối tượng kiểm soát là các làng nghề chế biến thực phẩm, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trong khi các cơ sở bán hàng online tự phát, các cơ sở kinh doanh theo hộ gia đình cũng như các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về ATVSTP hoàn toàn bị bỏ ngỏ.

Theo lời khuyên của chuyên gia, để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, tốt nhất hãy mua thực phẩm tại các cửa hàng, cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận ATVSTP.

Theo Thanh Nhiên/petrotimes.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
16
Tổng truy cập:
5796567