Trên một diễn đàn mạng xã hội gần đây, chị M.H, một người có trách nhiệm trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại địa bàn Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện thực tế của mình.
Chị viết: “Hôm nay em đi thị sát kiểm tra ATVSTP khu La Phù. La liệt hàng giả được phù phép y chang hàng thật. Bao bì mã vạch sắc nét chả kém gì hàng thật. Cái mã code mã vạch chỉ là phù phiếm thôi, họ làm được tất. Mấy cái ứng dụng trên điện thoại check vẫn hiện xịn như thường. Hàng giả chủ yếu bánh kẹo, hóa mỹ phẩm. Nhất là hàng Thái Lan, Nhật, Hàn giả lia lịa…”.
Dưới dòng trạng thái này, chị M.H đã đính kèm khá nhiều những hình ảnh về các sản phẩm giả nhãn mác do chính mình cùng đoàn đi kiểm tra và phát hiện được như: sữa tắm, nước xả vải, dầu gội đầu, nước lau sàn nhà…
Chia sẻ của chị ngay lập tức nhận được hàng trăm lượt thích và bình luận. Hầu hết mọi người đều tỏ ra ngạc nhiên vì việc làm giả sản phẩm ngày càng trở nên tinh vi đến như vậy. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, chỉ check mã vạch thì có lẽ, người tiêu dùng sẽ không biết rằng đó hầu hết là những sản phẩm kém chất lượng đã được “phù phép” qua bàn tay của một số tiểu thương để trở thành “hàng xịn”, hàng “chuẩn Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc”.
Tang vật bị lực lượng chức năng thu giữ khi bắt vụ buôn lậu “khủng” thuốc lá 555 nhập ngoại ở Hà Nội. Ảnh: TL
Bằng chứng cho thị trường hàng nhái, hàng giả cận Tết càng trở nên sôi động và khó kiểm soát là việc ngày 5-1, thông tin tới báo chí, Thượng tá Trần Anh Tuấn – Trưởng phòng PC05, CA TP Hà Nội, cho biết đơn vị này vừa khám phá và bắt vụ buôn lậu “khủng” thuốc lá 555 nhập ngoại, không rõ nguồn gốc, cụ thể là 10.500 bao tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn. Đồng thời, ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với 5 đối tượng trú tại Quảng Ninh và Hà Nội về tội Buôn bán hàng cấm là thuốc lá nhập lậu với số lượng đặc biệt lớn.
Chiều 10-1, thông tin từ phòng Cảnh sát kinh tế CA TP Đà Nẵng cho hay, đơn vị này vừa phối hợp với Quản lý thị trường Đà Nẵng bắt quả tang một vụ sản xuất, đóng gói hơn 1.200 gói hạt nêm và bột ngọt các loại làm giả nhãn hiệu tại một ngôi nhà trên đường Tôn Thất Đạm (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Trước đó, sáng ngày 26-12, trong lúc làm nhiệm vụ trên tuyến đường tránh Huế thuộc khu vực thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế), lực lượng chức năng tỉnh này cũng phát hiện xe chạy tuyến Bắc – Nam do ông Ngô Văn Dũng điều khiển BKS - 53R0073 vận chuyển lượng lớn hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ.
Qua kiểm đếm, có 15 mặt hàng là hàng giả, hàng nhái và hàng lậu gồm, 138 đôi giày giả nhãn hiệu Nike, 20 đôi giày giả nhãn hiệu Adidas, 5 đôi giày giả nhãn hiệu Converse, gần 350 đôi giày do nước ngoài sản xuất, không có nguồn gốc xuất xứ; áo lót phụ nữ 750 cái; bộ kích điện 50 hộp (hộp 2 cái), 27 túi xách không rõ nguồn gốc...
Trước đó, ngày 22-12-2018, Đội QLTT số 1 (thuộc Cục QLTT Thừa Thiên - Huế) phát hiện bắt giữ xe BKS - 74B 006.39 do bà Nguyễn Thị Thu Hương (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) làm chủ, đang vận chuyển lượng lớn hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ gồm: 24 thùng bia Corona (thùng 24 lon), 404 bom bia Heineken (5lít/bom), 960 lọ lăn nách do nước ngoài sản xuất, 900 lọ dầu thơm, 288 lọ phấn rôm, 270 đôi dép xỏ ngón; ngày 19-12 phát hiện bắt giữ xe BKS 12B - 00478 vận chuyển 7 nhóm mặt hàng lậu, hàng giả gồm áo quần trẻ em, son môi, dù che, mắt kính...
Cứ như vậy, hàng nhái, hàng giả len lỏi vào sâu trong đời sống dân sinh, vào cả bữa cơm hàng ngày. Có thể không gây ra hậu quả chết người ngay lập tức nhưng những sản phẩm nhái, giả kém chất lượng hoặc thậm chí là đồ ăn được bơm tạp chất như tôm biển chẳng hạn, nếu sử dụng lâu dần, ngấm vào người sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Trước thực trạng bát nháo của thị trường hàng nhái, hàng giả trà trộn, lợi dụng nhu cầu mua sắm, sử dụng ngày Tết của người dân tăng rất cao như vậy, bản thân người tiêu dùng cần có những lựa chọn sáng suốt cho bữa cơm và sinh hoạt gia đình. Trở thành một người tiêu dùng thông thái không dễ, nhưng nếu thật sự quan tâm, chú ý khi lựa chọn các sản phẩm, chịu khó tìm đọc các hướng dẫn nhận biết hàng giả, hàng thật… người tiêu dùng sẽ tránh mua phải nhiều loại hàng hóa rởm.
Các chuyên gia về thực phẩm khuyến cáo rằng, người dân cần tuyệt đối không chọn mua những mặt hàng, sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, không ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất. Qua kinh nghiệm thực tế, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, đa số các mặt hàng như vậy đều không đảm bảo chất lượng ATVSTP do công nghệ sản xuất và thành phần nguyên liệu không rõ ràng.
Theo Văn Biên/phapluatxahoi.vn