Người dân mua sắm tại siêu thị Hapro (Hà Nội). Ảnh: ĐỨC ANH
Đa dạng mặt hàng
Là hai địa phương lớn, có số dân đông nhất cả nước, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng các mặt hàng nông sản, thực phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết. Theo Sở Công thương Hà Nội, ước tính, tổng giá trị hàng hóa đưa ra thị trường trong dịp này khoảng 28.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với năm 2018); trong đó các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng giò chả, nông sản chế biến…, là khoảng 2.200 tỷ đồng, được bán ở 454 chợ, 22 trung tâm thương mại và 124 siêu thị. Đây là hệ thống chính cung cấp hàng hóa những ngày tới. Dựa trên khả năng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu của người dân trong dịp Tết, Hà Nội sẽ cơ bản đáp ứng đủ sản lượng thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, rau, củ, quả...
Ở các chợ trên địa bàn, hiện hàng hóa đã được luân chuyển nhiều hơn, giá bán một số mặt hàng tăng nhẹ, như giá gà tại chợ đầu mối Hà Vĩ tăng khoảng 5 đến 10%. Riêng về thịt lợn, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng, với sự tham gia điều tiết giá của một số nhà sản xuất quy mô, giá lợn hơi dịp Tết 2019 sẽ ít có biến động. Hiện nguồn lợn do doanh nghiệp cung cấp khá ổn định, với giá hơn 45 nghìn đồng/kg, là kênh quan trọng giúp bình ổn thị trường.
Quyền Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN và PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, nếu dịch bệnh không xuất hiện thì nguồn cung thịt lợn và các loại thịt khác sẽ không thiếu.
Tại TP Hồ Chí Minh, hàng hóa Tết đã được bán ở các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng, mạng lưới chợ truyền thống. Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã chuẩn bị gần 150 nghìn tấn hàng hóa trị giá hơn 3.000 tỷ đồng. Dự báo sức mua năm nay sẽ tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2018. Với phương châm “Tết nhẹ nhàng, ngàn điều sẻ chia”, người tiêu dùng sẽ không phải lo lắng về nguồn hàng và sự đa dạng chủng loại hàng hóa, giá cả; có thể thưởng thức đặc sản của những vùng miền khác khi mua sắm tại các kênh bán lẻ thuộc Saigon Co.op. Ở Đồng Nai, Sở Công thương tỉnh đã cùng các doanh nghiệp lớn có kế hoạch cung ứng đủ thực phẩm cho người dân. Theo đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2), công ty sẽ tham gia chương trình bình ổn giá với các mặt hàng: thịt lợn, thịt gà, trứng với số lượng, giá cả hợp lý, đủ cung cấp cho thị trường, tránh tình trạng “khan” hàng.
Về rau củ, quả, Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) đã lên kế hoạch hướng dẫn sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố đẩy mạnh sản xuất một số nông sản chủ lực cho Tết như: khoai tây, su hào, bí xanh, hành tây... Phó Cục trưởng Trồng trọt Trần Xuân Định cho biết, hiện diện tích sản xuất rau củ, quả đều tăng hơn so với cùng kỳ. Cụ thể, vụ đông năm 2018, các tỉnh phía bắc trồng khoảng 195 nghìn ha rau màu, tăng hơn 10 nghìn ha so với năm 2017. Ở nhiều địa phương, nông dân đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống rau vào sản xuất cho nên nguồn hàng khá phong phú.
Bà Cao Thị Thính (thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: Nhà bà trồng ba sào gồm các loại rau: bắp cải, cà rốt, súp lơ, rau gia vị để bán vào dịp Tết Nguyên đán. Mặc dù từ đầu tháng Chạp đến nay, thời tiết giá rét mưa nhiều, song rau, củ phát triển tốt, có thể thu hoạch bán cho người tiêu dùng. Cùng với đó, nhằm bình ổn thị trường phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu, nhất là dịp Tết 2019, Bộ NN và PTNT, Bộ Công thương cũng thống nhất tiếp tục tăng cường công tác phối hợp các đơn vị liên quan của hai bên theo dõi tình hình sản xuất, cung - cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết; có biện pháp chỉ đạo kịp thời, không để thiếu hàng, “sốt” giá, nhất là vào cao điểm những ngày áp Tết và sau Tết.
Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm
Để người dân cả nước đón Tết Kỷ Hợi đầm ấm, tiết kiệm, một trong những nhiệm vụ cấp thiết lúc này của các bộ, ngành liên quan: NN và PTNT, Công thương, Y tế là đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), bởi ở nhiều nơi số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (chủ yếu là các điểm nhỏ lẻ, thường xuyên biến động) vẫn có những vi phạm về VSATTP. Các chợ tạm, chợ “cóc” vẫn hoạt động, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm về VSATTP.
Để khắc phục bất cập nêu trên, TP Hà Nội đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát về giá cả và các vấn đề liên quan VSATTP. Đồng thời chỉ đạo ban quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương nghiêm túc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, vệ sinh môi trường và chấp hành các quy định về VSATTP. Đáng chú ý, sẽ xử lý nghiêm các lò mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm VSATTP.
Tại TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống bán lẻ uy tín đã chủ động tìm giải pháp “bảo vệ” sản phẩm của mình trong quá trình sản xuất, chế biến nhằm hướng tới mục tiêu không để người tiêu dùng lo lắng trước nạn thực phẩm “bẩn” thường hoành hành vào dịp Tết. Tại các hệ thống phân phối lớn như: Saigon Co.op, Satra, Vissan, Cocomart..., ngoài công tác chuẩn bị nguồn hàng, việc kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng, bảo đảm VSATTP luôn luôn được đề cao.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã huy động mọi nguồn lực, hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm, cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp Tết.
Theo ANH PHƯỜNG - MINH HUỆ/nhandan.com.vn