Một bé gái bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1
Vừa mua xong ổ bánh mì tại một tiệm bán bánh trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, chị Lê Tuyết Khánh (đường Lê Hồng Phong, quận 10) cho biết: “Từ trước đến nay, tôi quá chủ quan đến sức khỏe cho cả gia đình, bởi mua các thực phẩm mà không tìm hiểu nguồn gốc, tiện đâu mua đó. Bây giờ, tôi đi chợ luôn phải xem rõ thông tin trên bao bì và mua tại các cơ sở, cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch”.
Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm ngày 28-10 vừa qua khiến 55 bệnh nhân phải nhập viện tại quận Tân Phú, đến nay ngành Y tế TP Hồ Chí Minh và cơ quan chức năng mới chỉ xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Đồng Tiến (quận Tân Phú) và hộ kinh doanh thực phẩm Hà Trang (huyện Củ Chi) - hai đơn vị cung cấp bánh mì chà bông cho những người bị ngộ độc ăn phải. Kết quả kiểm tra của cơ quan liên ngành thành phố cho thấy, hai cơ sở này không bảo đảm đủ các điều kiện sản xuất và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đã hết hạn.
Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 47.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và khoảng 19.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Thế nhưng, với điều kiện môi trường, nhiệt độ, thói quen vệ sinh hiện nay, thức ăn đường phố còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ngành Y tế thành phố, mặc dù cơ quan chức năng có liên quan đưa ra nhiều biện pháp để quản lý nguồn thực phẩm nhưng do mức phạt hành chính thấp, các thủ đoạn tinh vi của cơ sở sản xuất và cung cấp thực phẩm, sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng... nên các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra.
Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố, kết quả các đợt kiểm tra cho thấy, nhân viên của một số cơ sở chưa có kiến thức về bảo quản, chế biến thực phẩm, vẫn sử dụng nguyên liệu có chất cấm, phụ gia, tồn dư hóa chất, nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính rất thấp đối với các hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm nên không đủ sức răn đe. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với nguồn thức ăn đường phố, Ban đã triển khai đến các quận, huyện những chuẩn cơ bản cho thức ăn đường phố. Một số quận, huyện cũng đã hình thành các tuyến phố tập trung thức ăn đường phố; đồng thời tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhiều hộ kinh doanh... Tuy vậy, quan trọng nhất là ý thức của cả người bán và người mua, cần nói không với những điểm bán mất vệ sinh.
Đối với nguồn thức ăn cho các trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp..., Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã, đang rà soát khâu cấp phép, bảo đảm 100% bếp ăn, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp có chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm. Ban cũng kiểm soát kỹ nguồn gốc thực phẩm sử dụng để chế biến suất ăn cho học sinh và người lao động; xử lý nghiêm, rút giấy phép hoạt động đối với các cơ sở để xảy ra ngộ độc thực phẩm nhiều lần. Đối với các bếp ăn phục vụ trường học, theo Phòng Công tác học sinh - sinh viên (Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh), công tác kiểm tra, giám sát các bếp ăn này sẽ được ngành Giáo dục tổ chức thường xuyên, đồng thời giới thiệu các mô hình, cơ sở cung cấp suất ăn an toàn, đạt chuẩn cho trường học.
Theo Gia Bảo/hanoimoi.com.vn