Người dân “hiến kế” đảm bảo an toàn thực phẩm đường phố (08/10/2018)

Người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo găng tay, khẩu trang… sẽ bị phạt hành chính lên đến 3 triệu đồng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, mức phạt trên rất khó khả thi, vì cốt lõi vẫn là ý thức, lương tâm của người kinh doanh.


Nhiều cá nhân kinh doanh đồ ăn vỉa hè không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến. Ảnh: Bảo Loan

Bất tiện, khó đảm bảo tuân thủ

Nghị định 115/2018 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) quy định: Người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, găng tay, không cắt móng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, không che đậy, ngăn chặn bụi bẩn, khiến côn trùng xâm nhập thức ăn… sẽ phải chịu mức phạt từ 500.000 - 3.000.000 đồng. Đặc biệt, những người kinh doanh thực phẩm ngoài hè phố như xe bánh mỳ, bán gánh riêu hay gói xôi, xe cà phê cóc mà không đeo găng tay, không đội mũ và đeo khẩu trang cũng sẽ bị phạt lên đến hàng triệu đồng.

Mặc dù đến ngày 20/10, Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm mới bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, những ngày gần đây, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc áp dụng xử phạt về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung, với các điểm kinh doanh đồ ăn ngoài vỉa hè nói riêng. Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định này là rất cần thiết, nhằm nâng cao ý thức an toàn thực phẩm cho mỗi người, mỗi nhà. Song, nhiều cá nhân kinh doanh đồ ăn ngoài đường phố cũng không khỏi trăn trở, lo lắng. Bởi Nghị định sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của những người bán hàng nhỏ lẻ, bán hàng rong…

Là người có nhiều năm mưu sinh bằng nghề bán bánh mỳ dạo, anh Đặng Văn Sinh (43 tuổi, ở Yên Bái) cho biết: “Quy định pháp luật có hiệu lực thì chúng tôi phải chấp hành. Nhưng là người bán bánh mỳ nhiều năm nên theo tôi, rất khó để thực hiện theo quy định. Vì bản thân quy định này đã áp dụng từ lâu và thực trạng thì vẫn tồn tại. Hơn nữa, nếu sử dụng bao tay không khoa học, dùng kiểu chống đối cả ngày dùng có 1 chiếc thì sẽ còn tệ hơn, việc nhiễm khuẩn lại đến từ chính những bao tay mà ta cho là đang an toàn”.

Anh Sinh cho rằng: “Với những người kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi, mỗi một lần phạt là có thể mất luôn lợi nhuận cả tháng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, rất khó để “y án” các quy định với người chế biến thực phẩm hè phố. Chẳng hạn, lúc đông khách và làm liên chân liên tay thì không thể đảm bảo dùng găng tay là có thể an toàn. Thứ hai là sự bất tiện trong chế biến, nên không tránh khỏi việc sử dụng găng tay chỉ để đối phó.

Thứ ba, đã là thực phẩm đường phố thì không phải chỉ có bao tay là đảm bảo được vệ sinh. Kể cả có đảm bảo vệ sinh nhưng môi trường ô nhiễm thì không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng. Vì vậy, cốt lõi vẫn là do ý thức, lương tâm của người làm kinh doanh và sự lựa chọn “thông thái” của người tiêu dùng”.

Tương tự, bà Lê Thị Nguyên (56 tuổi, bán bánh mỳ trên phố Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội) tiết lộ: “Các xe bán thịt lợn quay, vịt quay dọc các lề đường, treo hàng lủng lẳng mà không có kiếng che chắn thì không tránh khỏi bụi bặm và khói xe bám vào. Tất cả vẫn phải phụ thuộc vào lương tâm của chủ quán. Nhất là khâu chế biến ban đầu, nếu không đảm bảo vệ sinh thì có đeo gang tay ở khâu chế biến thành phẩm cũng vô ích. Hơn nữa, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần siết chặt các quy định đảm bảo an toàn trong sử dụng găng tay”.

Cần tăng chế tài xử phạt

Từ chia sẻ về những khó khăn trong việc đảm bảo chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt là với những hàng thức ăn ngoài hè phố, không ít người dân hoan nghênh Nghị định trên. Bởi Nghị định không những mang tính giáo dục, răn đe, mà còn tạo cơ sở, nền tảng cho sự thay đổi “nếp sống mới” trong ý thức người làm kinh doanh.

Anh Trọng Hoài (35 tuổi, ở Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) thẳng thắn: “Cơ quan chức năng cần kiểm tra cả việc sử dụng găng tay ra sao cho đảm bảo an toàn vệ sinh chung. Khi bán thực phẩm đã chế biến dùng ăn trực tiếp, phải sử dụng dụng cụ gắp, múc hoặc xúc bằng muỗng, đũa, kẹp, gắp… để đảm bảo vệ sinh. Nghiêm cấm dùng tay bốc cho dù có găng tay. Vì găng tay bán đại trà ở chợ thì rất bẩn. Đó là chưa kể người bán hàng dùng găng tay đến vài ngày mới thay một lần rất mất vệ sinh”.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu xử phạt hành chính trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì chủ hàng, người kinh doanh vẫn có thể tái phạm ở mức độ cao hơn, để bù lỗ cho vi phạm những lần trước đó. Đặc biệt là khi thói quen của con người vốn đã trở thành cố hữu.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm đối với hàng ăn vỉa hè nói riêng, thì cơ quan quản lý nhà nước không chỉ tăng cường tuyên truyền, vận động, giáo dục người bán hàng, mà cần phải tăng chế tài xử phạt ở mức cao nhất có thể, thậm chí là áp dụng Luật hình sự. Tránh việc ban hành nhiều quy định nhưng lại không triệt để trong khâu xử lý và làm mất tính răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra, cơ quan chuyên ngành cần tăng cường giám sát các cơ sở bán đồ ăn ở mọi mặt.

Theo BS Minh Hương, Trung tâm Tư vấn sức khoẻ y tế Minh Hương (Hà Nội), người tiêu dùng nên tránh ăn một số loại thực phẩm bày bán ngoài vỉa hè, cơm bình dân gần khu vực trường học, bệnh viện, đồ ăn chưa được nấu chín như gỏi, nem chua, tiết canh… vì những đồ ăn trong quán cơm này không đảm bảo vệ sinh từ khâu sơ chế đến khâu thành phẩm. Ngoài ra, bát đũa, giấy ăn, bụi bặm cũng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm. Đối với đồ uống, nên tránh dùng trà sữa, đồ uống được chế biến từ phẩm màu, chất tạo mùi, tạo màu không rõ nguồn gốc.

Theo Bảo Loan/giadinh.net.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
56
Tổng truy cập:
5796567