Hiệu quả từ 'Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn' (03/10/2018)

Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y Xác định chợ thực phẩm tươi sống là một trong bốn mắt xích quan trọng quyết định đến vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công 3 “Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn”, tại Chợ thị xã Bỉm Sơn, Chợ đầu mối rau quả Đông Hương (thành phố Thanh Hóa), Chợ phường Trung Sơn (thành phố Sầm Sơn).


Một góc Chợ thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa).

Thông qua truyền thông bằng phóng sự, kịch tương tác sinh động, hấp dẫn, các phiên chợ trên bước đầu góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chị em hội viên phụ nữ, tiểu thương về vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước tạo ra chuỗi liên kết sản xuất, tiêu dùng thực phẩm sạch tại địa phương.

Ghi nhận tại Chợ đầu mối rau quả Đông Hương (thành phố Thanh Hóa), sau hơn 5 tháng thực hiện chương trình truyền thông “Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn”, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ này đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Chị Ngô Thị Thu, Chủ tịch Hội phụ nữ Chợ đầu mối rau quả Đông Hương, cho biết: Chợ đầu mối rau quả Đông Hương hiện có khoảng 600 hộ tham gia kinh doanh, trong đó hầu hết là phụ nữ. Trước nguy cơ gây hại của thực phẩm không an toàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Thanh Hóa đã tổ chức “Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn”.

Các nội dung truyền thông đã góp phần nâng cao ý thức, hành động cho các nữ tiểu thương, hội viên phụ nữ và nhân dân về cách nhận biết thực phẩm sạch, an toàn; quy trình sản xuất thực phẩm sạch; trách nhiệm của hội viên, phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm sạch, an toàn; quyền của người tiêu dùng; 10 nguyên tắc vàng trong chế biến và bảo quản thực phẩm an toàn…

Sau khi được truyền thông, công tác tuyên truyền, quản lý hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được Ban quản lý chợ và Hội phụ nữ thường xuyên quan tâm tuyên truyền; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, tố giác những tiểu thương không cam kết thực hiện kinh doanh sản phẩm bảo đảm chất lượng.

Ban quản lý chợ cũng thành lập Hội phụ nữ Chợ đầu mối rau quả Đông Hương với 6 chi hội ở các ngành hàng khác nhau như: hoa quả, rau củ, thực phẩm... Các chị em trong Ban Chấp hành Hội thường xuyên xuống các quầy bán hàng gặp các chị nhắc nhở, phối hợp với Ban quản lý chợ, lãnh đạo các công ty thường xuyên giám sát hàng nhập vào nên đã kiểm soát được hàng hóa, sản phẩm, bảo đảm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Nhờ đó, tính đến thời điểm này, Chợ đầu mối rau quả Đông Hương đã đạt được 17/19 tiêu chí về chợ loại I; phấn đấu đến tháng 10/2018, Chợ sẽ hoàn thành 19 tiêu chí để trở thành chợ loại I.


Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia

Cũng với hình thức truyền thông tương tự, sau một thời gian thực hiện thí điểm “Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn”, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại Chợ thị xã Bỉm Sơn và Chợ phường Trung Sơn (thành phố Sầm Sơn) cũng có chuyển biến rõ nét. Sau phiên chợ, nhiều hội viên phụ nữ đã trang bị cho bản thân kiến thức, hiểu biết, sáng suốt lựa chọn sản phẩm an toàn phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Chị Nguyễn Thị Cảnh, tiểu thương Chợ Bỉm Sơn cho biết: Sau khi được tham gia “Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn”, tôi đã nắm được 10 nguyên tắc vàng trong việc chế biến sản phẩm an toàn. Đặc biệt, nhận thức được mối nguy hại từ việc buôn bán các sản phẩm không an toàn, tôi đã ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình cùng chung tay tham gia bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bằng việc không buôn bán các sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ…

Có thể khẳng định, nỗ lực của các cấp Hội phụ nữ Thanh Hóa thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển biến hành vi trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn là nỗi ám ảnh và là mối quan tâm của toàn xã hội.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung, thời gian tới, cùng với kế hoạch nhân rộng mô hình “Phiên chợ truyền thông nói không với thực phẩm bẩn” đến các địa phương khác, Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình như: Mô hình rau sạch, chăn nuôi sạch, bếp sạch... tại các đơn vị. Hội tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm; phát huy vai trò thành viên Ban chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm cấp tỉnh và cấp huyện trong triển khai hoạt động, giám sát thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Qua đó, khẳng định vai trò, trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong việc tham gia tuyên truyền về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Phụ nữ Thanh Hóa thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm”; thực hiện Nghị quyết số 04/ NQ-BCH của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020…

Theo Khiếu Tư/TTXVN

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
60
Tổng truy cập:
5796567