Cơ quan chức năng kiểm tra nóng cơ sở bạch tuộc bẩn
Ngay sau khi nhận được phản ánh của phóng viên chương trình Chuyển động 24h về tình trạng "phù phép" bạch tuộc bẩn thành trắng sạch và cứng giòn chỉ sau 30 phút tại một cơ sở ở phía sau chợ Long Biên, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra những dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ sở này.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này đã tạm dừng mọi hoạt động tẩy rửa, sơ chế bạch tuộc, nhưng trước cửa vẫn còn hàng chục thùng xốp chứa hơn 300kg bạch tuộc chờ mang đi tiêu thụ. Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội đã sử dụng xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, lấy mẫu bạch tuộc đang để trong các thùng xốp để xét nghiệm nhanh.
Theo kết quả kiểm tra, Chloramphenicol có trong bạch tuộc của cơ sở này là hoạt chất nằm trong danh sách hóa chất, kháng sinh bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, chế biến động vật, thủy sản. Trước đó, kết quả kiểm nghiệm của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng cho thấy tồn dư nhiều hóa chất tẩy rửa công nghiệp trong mẫu nước và bạch tuộc.
Chủ cơ sở cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của số hàng. Hơn 300kg bạch tuộc đã tẩy rửa bị cơ quan chức năng niêm phong, tạm giữ tại kho đông lạnh để tiếp tục điều tra, làm rõ các dấu hiệu sai phạm của cơ sở này.
Dung dịch ngâm bạch tuộc chứa nhiều hóa chất độc hại
Theo báo ANTD.vn, kết quả kiểm nghiệm của Bộ Y tế đối với mẫu dung dịch màu nâu ngâm bạch tuộc cũng cho thấy, trong 1 lít dung dịch này có chứa tới 1046 mg oxi già, 665 mg natri hydrosulfite, 0,385 mg Asen. Kết quả kiểm nghiệm trên 1kg bạch tuộc cũng tồn dư nhiều hoá chất chất công nghiệp như 959,8 mg oxi già, 377,8 mg natri hydrosulfit.
Công nhân của cơ sở dùng chân để gạt bạch tuộc trên vỉa hè
Theo bà Lê Thái Hà – Trưởng khoa xét nghiệm và phân tích – Viện sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường: “2 chất này đều được quy vào chất khử trùng và tẩy trắng, trong nước sinh hoạt không có hoá chất như vậy. Giới hạn cho phép của chất Natri hydrosulfit trong các nhuyễn thể là 100mg/kg, thì trong trường hợp này chúng tôi phát hiện ra lên tới 377,8 mg, tức là cao gần 4 lần so với quy định tại Thông tư 27”.
Lực lượng liên ngành Hà Nội kiểm tra cơ sở
Trong khi đó, "theo PGS. TS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng cục vệ sinh an toàn thực phẩm – Bộ Y tế, đây là hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng. Việc làm này hết sức vi phạm tiêu chuẩn, vi phạm pháp luật. Pháp luật không cho phép để liều cao như thế, ngâm dài như thế. H2O2 nếu không phân huỷ hết sẽ gây ra viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày. Thậm chí liều cao có thể tử vong. Cái thứ 2 là Natri hydrosulfit gây ra phá huỷ các vitamin B1 trong cơ thể, thiếu vitamin B1 gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá, PGS. TS Trần Đáng cảnh báo." ANTD.vn đưa tin.
Tại cuộc kiểm tra, chủ của cơ sở này là chị Đỗ Minh Hằng, SN 1976, trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, sau khi thu mua bạch tuộc, sơ chế rồi đem đến các nhà hàng lớn tại Hà Nội như nhà hàng K. B; H. P; V. C...
Thực tế, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là bạch tuộc "sạch" hay "bẩn", và cũng không ai biết được những con bạch tuộc trắng giòn được cắt từng phần trên bàn lẩu nướng ẩn chứa chất độc hại gì bên trong. Trong khi tiểu thương thì vẫn chỉ vì lợi nhuận, bất chấp quy định của pháp luật, đánh đổi sức khoẻ của cộng đồng nhằm thu lợi bất chính.
Theo NGỌC HIỀN/thegioitre.vn