Ngày 20/7, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An (ATVSTP) đã có kết luận về loại rễ cây trong bình rượu khiến 2 người bị ngộ độc, 1 người tử vong.
Theo đó, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy, mẫu thực phẩm trong bình rượu có kết quả dương tính với Koumin có trong mẫu rượu và trong rễ cây dùng để ngâm rượu.
“Koumin là hợp chất có trong cây lá ngón. Koumin là một trong những thành phần tạo nên alcaloid có trong cây lá ngón giống như Gelsenicin, Gelsamydin, Gelsemoxonin”, đại diện Chi cục ATVSTP trao đổi với báo Nghệ An.
Anh Sơn may mắn giữ được tính mạng sau khi uống rượu ngâm rễ cây lá ngón. Ảnh: Người Đưa Tin
Như đã đưa tin trước đó, anh Vi Văn D. (SN 1986) trú tại bản Cọc, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu cùng vợ lên rừng hái măng. Thấy rễ cây rừng nên anh D. đưa về ngâm rượu.
Đến khoảng 19h ngày 8/7, anh D. mời anh Vi Văn Sơn (SN 1985, trú cùng bản) đến nhà uống rượu. Một lúc sau cả 2 đều có biểu hiện bị ngộ độc.
Phát hiện sự việc, gia đình và người dân địa phương đã đưa các nạn nhân đi cấp cứu, tuy nhiên anh D. đã tử vong trên đường. Còn anh Sơn sau khi được cứu chữa tại bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Châu tiếp tục được chuyển xuống bệnh viện tỉnh để điều trị, hiện đã hồi phục.
Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã niêm phong bình rượu và lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm và thu được kết quả như đã nêu ở trên.
Rễ cây lá ngón có thể gây tử vong. Ảnh: Dân Trí
Qua vụ việc ngộ độc thực phẩm trên, Chi cục ATVSTP tỉnh đề nghị chính quyền địa phương các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin và dưới nhiều hình thức về tác hại và tính chất nguy hiểm đến tính mạng khi sử dụng các bộ phận của cây lá ngón.
Người dân tuyệt đối không sử dụng các bộ phận của cây lá ngón hoặc các loại cây không rõ nguồn gốc để ngâm rượu uống hoặc dưới các hình thức để tránh vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp này, ngày 12/3, 4 người tại bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cũng uống rượu ngâm rễ, thân cây không rõ nguồn gốc. Hậu quả khiến 3 người tử vong. Mẫu thực phẩm trong vụ này sau khi kiểm nghiệm được xác định cũng có chất Koumin.
Độc tính của lá ngón là do các ancaloit chứa trong toàn bộ cây, trật tự độc giảm từ rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Tới 17 đơn phân ancaloit đã được chiết ra từ lá ngón, trong đó hàm lượng koumin là cao nhất. Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.
Theo Nguyễn Phượng/doisongphapluat.com