Với mục đích đảm bảo an toàn thực phẩm và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh qua thực phẩm cho người tiêu dùng, giảm thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh do phải loại bỏ các sản phẩm có chứa dư lượng các chất độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, trong 6 tháng đầu năm Chi cục ATVSTP Lào Cai và các đơn vị Y tế tuyến huyện đã triển khai lấy mẫu giám định mối nguycơ an toàn thực phẩm và lấy mẫu kiểm tra hậu kiểm tại các chợ, các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh với tổng số 182 mẫu, 174/182 mẫu đạt, tỷ lệ đạt 95,6%, trong đó:
Đối với mẫu giám sát mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm lấy tại các chợ và các cơ sở kinh doanh thực phẩm các mẫu thực phẩm được lấy là các loại thịt gia súc gia cầm, nước ngọt, nước uống đóng chai đóng bình, nước mắm, xì dầu, dầu hào, ô mai, rượu... tổng số 137 mẫu, 136/137 mẫu đạt (tỷ lệ đạt 99,2%), 01 mẫu không đạt do mẫu trà xanh Thái Nguyên có tổng số bào tử nấm mốc, nấm men vượt quá giới hạn cho phép theo Quyết định số 46/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế).
Lào Cai phát hiện nước đóng chai có chỉ tiêu vi khuẩn coliform vượt giới hạn cho phép. Ảnh minh họa
Đối với mẫu hậu kiểm lấy tại các cơ sở sản xuất, mẫu được lấy là nước uống tinh khiết đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền, rượu các loại, hạt khô, thịt sấy... tổng số mẫu được lấy 45 mẫu, 38/45 mẫu đạt (tỷ lệ đạt 84,4%), 7 mẫu không đạt do (mẫu nước uống đóng bình, đá dùng liền có chỉ tiêu vi khuẩn coliform (là một trong những chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá chất lượng nước) vượt quá giới hạn cho phép và chỉ tiêu Pesudomonasaeruginosa không được phép có trong thực phẩm theo QĐ 46/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế).
Trước tình hình trên, Chi Cục ATVSTP Lào Cai khuyến cáo, vào mùa hè nhu cầu sử dụng nước tinh khiết đóng chai, đóng bình, đá viên của người dân tăng cao. Vì vậy, người dân khi lựa chọn sản phẩm nước tinh khiết đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm có tem nhãn với các thông tin như: Tên cơ sở và địa chỉ nơi sản xuất, điện thoại liên hệ, ... kiểm tra bằng cảm quan bên ngoài như vỏ bình còn mới, không bị bẩn, bóp méo, dập thủng, còn nguyên tem niêm phong của cơ sở.
Hà Nội phạt hơn 4 tỷ đồng về vi phạm an toàn thực phẩm
Trong 6 tháng đầu năm, qua công tác thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm về an toàn thực phẩm của Sở Y tế TP. Hà Nội được thực hiện thường xuyên, liên tục với việc thành lập tổng số đoàn thanh tra, kiểm tra là 718 đoàn. Kiểm tra đạt 27.074/32.309 cơ sở (chiếm 83,8%). Trong đó, tuyến quận huyện, xã, phường kiểm tra 32.062 cơ sở, tuyến thành phố kiểm tra 247 cơ sở. Phạt tiền 1.578 cơ sở với số tiền phạt 4.410.162.000 đồng, hủy sản phẩm 213 cơ sở.
Tuyến thành phố lấy 41 mẫu thực phẩm gửi làm xét nghiệm chỉ tiêu lý hóa và vi sinh tại Labo xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm 14/38 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh; 3 mẫu chỉ tiêu hóa lý chưa có kết quả; 10 mẫu cơ sở xin xét nghiệm lại lần 2. Xét nghiệm nhanh đạt 82.509/92.273 mẫu (tỷ lệ đạt 89,4%). Trong đó, tuyến quận huyện đạt 81.140/90.802 mẫu; tuyến thành phố đạt 1.369/1.471 mẫu. Xét nghiệm nhanh gồm xét nghiệm dụng cụ tinh bột có 62.250/71.820 mẫu đạt (86,6%), xét nghiệm nhanh thực phẩm khác như dấm, phẩm màu, hàn the, focmon…. có tỷ lệ đạt 20.259/20.453 (trên 98%).
Cũng trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã kiện toàn 4 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, chủ động giám sát an toàn thực phẩm phục vụ các hội nghị, sự kiện lớn của Trung ương và thành phố. Giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Giám sát an toàn thực phẩm phục vụ các lễ hội trên địa bàn thành phố.
Thái Nguyên: 772 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Trong 3091 cơ sở thực phẩm được thanh kiểm tra của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, có 772 cơ sở thực phẩm vi phạm, trong đó 207 cơ sở vi phạm bị xử lý (6,69%), 06 cơ sở bị cảnh cáo (0.19%), 207 cơ sở bị phạt tiền (6,69%) với tổng số tiền phạt là 191.349.000 vnđ. Ngoài ra có 02 cơ sở bị đóng cửa, 08 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm.
Các nội dung vi phạm chủ yếu là cơ sở chưa có giấy khám sức khoẻ, giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm; nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có tem nhãn phụ đối với sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm thực phẩm quá hạn sử dụng… Các đoàn thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm những vi phạm về bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo An Dương/VietQ.vn