Người kinh doanh thì quan tâm tới lợi nhuận, còn thực khách thì nặng về tiêu chí ngon - bổ - rẻ mà không cần biết những đồ ăn đó có đảm bảo vệ sinh.
Một vấn đề không mới, nhưng luôn ám ảnh bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình, đó là vấn đề ATVSTP. Ăn thứ gì để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa hợp túi tiền và thật sự an toàn luôn là bài toán hóc búa với các bà nội trợ mỗi sáng đi chợ. Với những đồ ăn, tốt nhất hãy biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của nó và đừng tham của rẻ.
Ở những nước phát triển, để mở một nhà hàng ăn uống cần phải có rất nhiều điều kiện, đặc biệt là những điều kiện khắt khe về ATVSTP. Nếu kiểm tra thấy nhà hàng vi phạm thì một là phạt rất nặng, hai là buộc nhà hàng đóng cửa. Sự nghiêm khắc của pháp luật chính là việc đảm bảo an toàn cao nhất với thực khách.
Minh họa của Lê Tâm.
Còn ở ta, năm nào cũng có Tháng hành động về ATVSTP, là dịp để nhắc cộng đồng cùng quan tâm tới lĩnh vực này, cùng với đó là những cảnh báo nhằm ngăn chặn những hậu quả từ việc không đảm bảo ATVSTP trong đời sống.
Tháng hành động về vệ sinh ATVSTP năm nay vừa kết thúc và nó lại gióng lên những hồi chuông mới. Đó là tình trang vi phạm vệ sinh ATVSTP tại các bếp ăn tập thể. Những số liệu thống kê của các cơ quan hữu quan khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Trong số 88 doanh nghiệp tại Hà Nội được kiểm tra có tới 11 doanh nghiệp vi phạm về ATVSTP và bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể: đoàn công tác của Chi cục ATVSTP Hà Nội đã tiến hành thanh tra tại Công ty TNHH KAI Việt Nam. DN này cung cấp từ 600 - 700 suất ăn cho công nhân mỗi ngày. Quá trình thanh tra cho thấy, mặt sàn khu chế biến thức ăn bị bong tróc, ứ đọng nước; đường dẫn nước thải lộ thiên, gây ảnh hưởng đến chất lượng ATVSTP và mỹ quan.
Hoặc tại Công ty TNHH Volex Việt Nam, khu vực sơ chế quá nhỏ hẹp; trần nhà bong tróc, nhiều hạng mục xuống cấp, trong khi tủ chứa đồ khô đã quá cũ, ảnh hưởng tới chất lượng bảo quản thực phẩm…
Còn đánh giá chung của 700 đoàn kiểm tra liên ngành trên cả nước, trong tổng số hơn 18 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì có tới 3.410 cơ sở có vi phạm về ATVSTP và số tiền bị xử phạt hành chính là 5,9 tỷ đồng. Sau những đợt kiểm tra này, liệu những sai phạm trên có tái diễn và công tác ATVSTP có những chuyển biến tích cực không. Đó mới là vấn đề chúng ta cần quan tâm.
Nói về ATVSTP không thể không nhắc tới các lò mổ gia súc gia cầm (GSGC) trên địa bàn TP Hà Nội. Với dân số khoảng 10 triệu người, trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ hết khoảng 900 tấn thịt GSGC.
Trong đó, lượng thịt GSGC được kiểm soát chỉ chiếm khoảng 60% nhu cầu tiêu thụ của người dân, phần còn lại được cung cấp bởi các điểm giết mổ thủ công nhỏ lẻ. Các bàn bán thịt không chỉ bày trong các trung tâm thương mại hay chợ truyền thống mà nó len lỏi trong các ngõ ngách và chỉ cần bước chân ra đường là có thể mua được.
Theo thống kê của Chi cục Thú y Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 1.070 cơ sở giết mổ GSGC, tuy nhiên trong đó chỉ có 168 cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh, còn lại là các cơ sở hoạt động không phép. Tình trạng giết mổ GSGC tùy tiện này được diễn ra trong một thời gian dài, đã bị xử lý nhiều lần nhưng đâu lại vào đấy.
Khó có thể nói về việc đảm bảo ATVSTP tại những lò giết mổ này. Mặt khác, đây còn là nguồn lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân trong khu vực.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong chục năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 5.000 người mắc và 26 người chết vì ngộ độc thực phẩm. Một con số không hề nhỏ. Cùng với sự nghiêm khắc của pháp luật, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo để lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Bởi cuộc sống luôn cho chúng ta nhiều sự lựa chọn, nhưng những gì đảm bảo sức khỏe, tính mạng phải được đặt lên hàng đầu.
Theo Tuấn Nguyễn/cstc.cand.com.vn