Cơ quan chức năng tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc
Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng luôn là vấn đề nhức nhối đối với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Nhưng đến nay, dù đã có nhiều biện pháp, chế tài xử lý nhưng tình trạng buôn gian, bán lận vẫn diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) và các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã thực hiện 3.083 lượt kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn; phát hiện và xử lý 2.649 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, đăng ký kinh doanh, niêm yết giá, hóa đơn, chứng từ, an toàn vệ sinh thực phẩm... Tổng giá trị thu phạt hơn 7.9 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy hơn 3.6 tỷ đồng.
Theo lực lượng QLTT, hiện nay, hàng giả xuất hiện ngày càng tinh vi, khó phân biệt giữa hàng giả và hàng thật. Các đối tượng thường để lẫn hàng giả vào hàng thật để đem đi tiêu thụ. Lượng hàng giả mỗi loại không nhiều, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ nên việc phát hiện và xử lý cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lực lượng QLTT còn mỏng, công tác phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm giữa lực lượng chức năng với các doanh nghiệp còn nhiều bất cập không thể ngăn chặn kịp thời và triệt để.
Thực tế cho thấy, nhận thức hạn chế và tâm lý ham rẻ của người dân cũng tạo điều kiện để hàng giả hoành hành. Tâm lý ngại tố cáo các hành vi làm giả cũng gây khó cho lực lượng chức năng.
Một hạn chế đáng kể nữa, đó là chi phí giám định hàng giả khá cao và mất nhiều thời gian, trong khi kinh phí hỗ trợ để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý mẫu còn hạn chế. Hơn nữa, việc xác minh, giám định hàng giả, hàng nhái khá phức tạp và rất cần sự phối hợp của doanh nghiệp, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lại e ngại thương hiệu mình bị ảnh hưởng nên chưa tích cực hợp tác với lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, chế tài xử lý các vi phạm cũng chưa đủ sức răn đe, mới chỉ là tịch thu hàng hóa, xử phạt hành chính… Chính những kẽ hở này đã tạo điều kiện cho các đối tượng "vượt rào" để sản xuất và buôn bán hàng giả.
Đặc biệt, quy mô của các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng lớn và tinh vi, với nhiều loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng đến các mặt hàng cao cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng và gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và cả lực lượng chức năng.
Theo ông Trần Đăng Ninh - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Nghệ An - để cuộc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái có hiệu quả, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân, tổ chức kinh doanh với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến để khuyến cáo người tiêu dùng, các hộ kinh doanh hiểu được tác hại của hàng giả.
Lực lượng QLTT cần được đầu tư về nhân sự, kỹ thuật cũng như kinh phí hoạt động để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ… Ông Trần Đăng Ninh chia sẻ.
|
Theo Hoàng Trinh/baocongthuong.com.vn