Khi doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận: Người tiêu dùng phải rất tỉnh táo (28/05/2018)

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, sở dĩ vẫn còn xảy ra những vụ việc gây bức bối dư luận xã hội như pin trộn cà phê, thuốc ung thư sản xuất từ than tre… cùng nhiều vụ việc vi phạm khác về an toàn vệ sinh thực phẩm khác, lỗi không chỉ do doanh nghiệp ham lợi nhuận lớn...


Ông Nguyễn Mạnh Hùng

PV: Thưa ông, liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, hiện nay đã có nhiều chính sách pháp luật mới nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tuân thủ của DN trong sản xuất các sản phẩm đảm bảo tính an toàn. Ông có thể nêu qua một số điểm nổi bật trong các chính sách về lĩnh vực này hiện nay?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: - Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện nay Chính phủ đã đưa ra Nghị định 15 thay thế Nghị định 38. So với Nghị định 38 cũ, Nghị định 15 có một số nét nổi bật: Đó là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Tức là một DN dù nhập khẩu hay sản xuất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường phải được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước xem xét, kiểm tra và cấp cho một giấy chứng nhận đủ điều kiện.

Ở đây, Chính phủ giao thẩm quyền, trách nhiệm cho DN nhiều hơn. Tức là DN tự công bố và tự chịu trách nhiệm sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường.

Cái mới thứ 2 là, hiện nay có 3 nhóm thực phẩm phải có đăng ký thực phẩm, còn đến 90% không phải đăng ký. Và hàng nhập khẩu cũng có đến 90% không phải đăng ký. Đó là những cái mới của chính sách an toàn thực phẩm.

Thời gian qua, nhiều vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị  tố giác, điển hình là vụ pin trộn cà phê, hay thuốc chữa ung thư sản xuất từ than tre… Người tiêu dùng như đang bị rơi vào “ma trận” thực phẩm, thực phẩm chức năng mà họ dường như không được bảo vệ nhiều lắm?

- Không phủ nhận, vấn đề an toàn thực phẩm đang ngày càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Đây chính là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay.

Như bạn vừa nêu về những vụ việc đã được phát giác cà phê trộn pin, thuốc chữa ung thư lại được sản xuất bằng than tre, hay thịt lợn bơm chất tạo nạc, hoa quả tẩm hóa chất… đang khiến người tiêu dùng vô cùng bất an.

Vấn đề an toàn thực phẩm, không còn là gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nữa mà hồi chuông đã gióng từ lâu rồi, song đến nay vẫn còn rất  nhiều bức xúc. Trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về cơ quan chức năng.

Chúng ta đang nói đến việc hậu kiểm thay tiền kiểm, có nghĩa DN công bố sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, nhưng không có nghĩa là trách nhiệm dồn hết vào DN, bất luận trong trường hợp nào, cơ quan quản lý vẫn cần phải chịu trách nhiệm chính trước những bất cập liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Đây không phải là yêu cầu của Chính phủ mà là yêu cầu của người tiêu dùng xung quanh vấn đề an toàn thực phẩm.

Còn đương nhiên những DN nào bán sản phẩm không an toàn thì họ sẽ phải có trách nhiệm, dù là tiền kiểm hay hạu kiểm, không thể thoái thác được.

Vì sản phẩm bán ra là của DN sản xuất cơ mà, có thể đổ trách nhiệm cho ai được nữa?

Thưa ông, hiện nay nước giải khát là một trong những mặt hàng bị làm giả rất nhiều, đại diện cho tiếng nói của người tiêu dùng, ông có suy nghĩ thế nào về thực trạng này?

- Phải thừa nhận, đồ uống là một trong những thực phẩm rất nhạy cảm. Vì ăn và uống là nhu cầu lớn trong sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Trên thị trường Việt Nam hiện nay, xuất hiện vô vàn các loại đồ uống. Bước ra thị trường, người tiêu dùng giống như bị rơi vào mê trận của mặt hàng này.

Chúng ta đã từng chứng kiến trường hợp người dân uống trà sữa chân trâu nhập khẩu từ Đài Loan rồi bị ngộ độc, rồi những hóa chất sử dụng trong đồ uống không an toàn, thậm chí có dị vật rơi cả vào đồ uống được sản xuất bằng những dây chuyền công nghệ hiện đại…

Như vậy, có thể thấy vấn đề đồ uống đang khá nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong mùa hè năm nay.

Vậy, ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng trước mê trận đồ uống hiện nay, làm sao để phòng tránh được những nguy cơ ngộ độc đồ uống trong mùa hè này?

- Hiện nay, sức ép đối với người tiêu dùng trong việc lựa chọn được sản phẩm tốt, an toàn rất lớn.

Nếu như trước đây người tiêu dùng vẫn luôn nhận được lời khuyên là phải sử dụng sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, thì hiện nay, ngay cả những sản phẩm đồ uống có thương hiệu, có nguồn gốc… vẫn vi phạm.

Vậy chúng ta phải ứng xử thế nào? Tôi cho là chúng ta cần linh động, lấy bất biến ứng vạn biến, có nghĩa rằng, người tiêu dùng cần luôn tỉnh táo, thận trọng trước khi bỏ tiền ra mua bất cứ một sản phẩm thực phẩm, đồ uống nào.

Chúng ta thấy có rất nhiều trường hợp “treo đầu dê bán thịt chó”, có nghĩa, sản phẩm được công bố trên bao bì, có nhãn hẳn hoi nhưng ruột bên trong lại không phải giống như công bố.

Do đó, tôi cho là cần phải cả hai phía: Người tiêu dùng thì luôn phải tỉnh táo khi mua hàng, còn phía DN nhất thiết phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng, và đặc biệt là tuân thủ, thượng tôn pháp luật.

Quay trở lại với những vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm như một số vụ việc đã bị phát giác trong thời gian qua, ông có thể lý giải, tại sao vẫn liên tục xảy ra vấn nạn làm giả, làm nhái thực phẩm, phải chăng pháp luật răn đe chưa đủ mạnh?

- Tôi cho là, chế tài xử phạt so với trước đây đã tăng lên nhiều. Luật pháp đã “dành”  cả án tử hình đối với những vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây là mức án cao nhất rồi, nhưng tại sao vẫn xảy ra vi phạm? Có hai nguyên nhân, một là lợi nhuận quá lớn vẫn đang khiến DN mờ mắt.

Thứ hai chính sách của ta mặc dù có nhiều thay đổi, nhiều quy định hơn, đặc biệt có Luật về vệ sinh an toàn thực phẩm….

Tuy nhiên, chính sách vẫn chưa kín kẽ mọi mặt, vẫn còn những lỗ hổng, sơ hở khiến DN vẫn có thể “lách”. Thứ 3, đó là công tác kiểm tra của cơ quan chức năng.

Chúng ta đừng bao giờ trông chờ vào sự tự giác của các DN, khi mà những lợi nhuận từ việc vi phạm vẫn rất lớn, cao hơn cả chữ tín, lương tâm trách nhiệm của DN, mà phải vô cùng sát sao. Mặc dù là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, song vẫn đòi hỏi sự vào cuộc rất mạnh mẽ của  cơ quan chức năng.

Anh công bố thì cứ công bố nhưng cơ quan chức năng cần vào cuộc  kiểm tra để tránh những hậu quả theo kiểu “việc đã rồi”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Duy Khang/daidoanket.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
52
Tổng truy cập:
5790054