Mắc lỗi dùng thực phẩm, đường đến bệnh viện sẽ rất gần (24/05/2018)

Thời tiết nóng ẩm của mùa hè khiến tình trạng ngộ độc thực phẩm có nguy cơ gia tăng nếu người dùng không biết bảo quản và chế biến thực phẩm đúng cách.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, thiếu nước sạch, trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh, nấu không chín, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao.

Đá bẩn chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới nhiều căn bệnh mùa hè mà ít ai ngờ tới như tiêu chảy, đau dạ dày, các bệnh về đường ruột, viêm họng mạn tính, đau răng… Thế nhưng, mùa hè đến cũng là lúc nhu cầu về đá lạnh tăng cao. Thậm chí nhiều người còn sử dụng vô tội vạ, nhất là những loại nước giải khát “siêu sạch” giá rẻ được bày bán vỉa hè.


Rất nhiều cơ sở làm nước đá không đảm bảo vệ sinh. Ảnh minh họa

Vì vậy, khi sử dụng người dân nên mua đá viên đóng trong túi nilon, có ghi tên cơ sở sản xuất đá sạch, có ngày sản xuất, hạn dùng và công bố chỉ tiêu chất lượng để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mùa hè cũng là mùa của các loại thức ăn sống như gỏi, rau sống, trứng sống, tiết canh… mà không biết rằng chính những loại thức ăn sống này là nguồn cơn của nhiễm giun sán, ký sinh trùng. Đã có nhiều trường hợp vì nghiện ăn gỏi, ăn ốc mà cả nghìn con sán “làm tổ” trong ống mật gây viêm tắc mật vô cùng nguy hiểm.

Nhiều người có thói quen tích trữ thịt, cá trong tủ lạnh để dùng dần và nghĩ rằng thịt để trong ngăn đá thì bao lâu cũng được. Tuy nhiên, Thịt để trong tủ lạnh lâu ngày rất dễ gây nên tình trạng ngộ độc. Cho dù ở nhiệt độ thấp nhưng rất nhiều vi khuẩn vẫn có thể xâm nhập vào thực phẩm.

Theo chuyên gia Vũ Thế Thành, Th.s quản trị chất lượng, giảng viên an toàn thực phẩm VASEP (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam), thịt, cá tươi mang về bỏ ngăn đá tủ lạnh là hàng đông chậm, không phải cấp đông, mặc dù cả hai đều đông cứng ngắc. Đông chậm, tinh thể đá có điều kiện phát triển to hơn. Tinh thể to, sắc cạnh sẽ đâm toạc màng tế bào, nên khi rã đông, thực phẩm sẽ thất thoát nhiều nước cốt (natural juice), dinh dưỡng kém đi, thịt trở nên dai và nhạt nhẽo.


Đừng tích quá nhiều đồ trong tủ lạnh hay để thức ăn sống và chín lẫn nhau. Ảnh minh họa

Chính vì thế người tiêu dùng cẩn biết cách bảo quản thịt để tránh gây hại cho sức khỏe bản thân và gia đình. Nếu bảo quản ở ngăn mát, các loại thịt chỉ nên để tối đa ba ngày. Nếu thịt bảo quản trong ngăn đá thời gian kéo dài sẽ được vài tháng, tùy vào từng loại thịt. Nhưng khi rã đông thịt, không nên ngâm thịt đông lạnh trong nước quá lâu, không nên rã đông bằng nước nóng.

Ngoài ra, không tích trữ quá nhiều đồ trong tủ lạnh sẽ gây tình trạng không khí khó lưu thông, nhiệt độ không đảm bảo làm thực phẩm nhanh hỏng, đảm bảo sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Tuyệt đối không để lẫn thức ăn sống với thức ăn sống, vì sẽ là cơ hội để vi khuẩn xâm nhập và truyền bệnh.

Để bảo đảm an toàn, phòng tránh được ngộ độc hay nhiễm bệnh, người tiêu dùng cần chú ý kiểm tra thực phẩm khi mua để chắc chắn không mua phải đồ quá hạn, hay những loại thực phẩm đang được đưa tin là có nguy cơ nhiễm độc cao. Mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, bảo đảm vệ sinh tay, dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện ăn chín, uống sôi.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân 10 nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa hè:

1. Chọn thực phẩm an toàn

2. Nấu kỹ thức ăn

3. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín

4. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín

5. Đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn

6. Không để lẫn thực phẩm sống và chín

7. Luôn giữ tay chế biến thực phẩm sạch sẽ

8. Giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, sạch sẽ

9. Bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác

10. Sử dụng nguồn nước sạch.

Cách xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm:

Khi nhận thấy các dấu hiệu của ngộ độc như đau bụng quằn quại, nôn nhiều, tiêu chảy... cần làm cho chất độc hại thoát ra ngoài càng nhanh càng tốt. Có thể dùng hai ngón tay ngoáy móc họng để kích thích nôn hết thức ăn ra ngoài.

Người bị ngộ độc mất rất nhiều nước, nên phải bổ sung kịp thời. Uống nhiều dung dịch oresol, nước cháo, nước cam, nước dừa sau mỗi lần nôn hay đi ngoài.

Nên đến bệnh viện nếu sốt cao, mất nước nặng, phân có máu. Sau khi bị ngộ độc, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa để sức khỏe mau hồi phục. Trường hợp ngộ độc nặng, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu khẩn cấp. Chú ý lưu mẫu phân, dịch ói, thức ăn để cơ quan chuyên môn tiến hành xét nghiệm tìm nguyên nhân.

 

Theo Thanh Nhàn/vietq.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
69
Tổng truy cập:
5790054