Các đoàn liên ngành thường xuyên tổ chức kiểm tra tại các cơ sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn
Mới đây nhất, đầu tháng 5/2018, vụ ngộ độc thực phẩm tại xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã khiến trên 200 người nhập viện. Kết quả nuôi cấy lấy mẫu phẩm bệnh nhân nghi ngờ có trực khuẩn thương hàn (Salmonella).
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sơn La, với thói quen ăn sử dụng thực phẩm tươi sống, không qua gia nhiệt vào mùa hè, người dân trực tiếp đối mặt với nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Mùa hè cũng là mùa phát triển của măng, các loại nấm rừng, việc người dân sử dụng các thực phẩm thu hái tự nhiên, không qua kiểm định làm tăng mối nguy ngộ độc thực phẩm qua vi sinh hay mắc các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm như tả, lỵ...
Ông Nguyễn Mạnh Hà khuyến cáo người dân phải tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm. Cùng với đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sơn La tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức, thực hành an toàn thực phẩm, cũng như hướng dẫn thực hiện quy định về sử dụng chất hỗ trợ chế biến, phụ gia thực phẩm... cho người dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Trước thực tế các vụ việc đã xảy ra và các nguy cơ còn hiện hữu gây mất an toàn thực phẩm trong mùa nắng nóng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sơn La đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với loại hình thức ăn đường phố. Thức ăn đường phố là loại hình dịch vụ khó kiểm soát về an toàn thực phẩm do đối tượng bán hàng thường xuyên di chuyển địa điểm, kinh doanh theo thời vụ... Trong tháng 5/2018, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sơn La phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu triển khai mô hình điểm Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại hai thị trấn Nông trường Mộc Châu và Mộc Châu (huyện Mộc Châu). Hai tuyến này tập trung trên 130 nhà hàng, hộ kinh doanh phục vụ khách du lịch.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Theo quy định pháp luật, thức ăn đường phố thuộc nhóm cơ sở sản xuất, kinh doanh không phải cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm mà chỉ cần có cam kết tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều cơ sở hiện không tuân thủ đầy đủ các quy định, đặc biệt là về nguồn gốc thực phẩm, an toàn trong chế biến. Việc triển khai Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố là rất cần thiết, nhất là đối với huyện Mộc Châu để hướng tới phát triển ngành du lịch, dịch vụ chuyên nghiệp, an toàn và thân thiện.
Theo anh Huỳnh Anh Tú, Chủ nhà hàng Bò ngon Mộc Châu ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu: Khi tham gia vào mô hình Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, anh được tham gia các lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm, cấp phát miễn phí vật tư bảo đảm an toàn thực phẩm... Dù lượng khách tăng cao nhưng nhà hàng luôn đặt tiêu chí an toàn thực phẩm lên hàng đầu, không chạy theo số lượng mà coi nhẹ việc lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm kém chất lượng. Bảo đảm an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và quyền lợi người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sơn La dự kiến phối hợp với các cơ sở nhân rộng mô hình Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm tại tất cả huyện, thành phố. Đồng thời, Chi cục sẽ xem xét, đề xuất hình thành mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở cơ sở giáo dục và trong các bữa cỗ đông người tại nhà, từ đó chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn đến đường phố.
Theo Diệp Anh (TTXVN)