Bước vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm tăng cao, làm thức ăn dễ ôi thiu; cộng thêm sự mệt mỏi do nắng nóng kéo dài khiến việc tiêu thụ thức ăn đồ giải khát đường phố tăng mạnh… đây chính là hai nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc thực phẩm tăng.
Vừa qua, tại tỉnh Hoà Bình, sau khi ăn sáng tại quán ven đường, 21 học sinh trường THCS Hữu Nghị có biểu hiện đau bụng, buồn nôn… và ngay sau đó được người dân chuyển đi bệnh viện cấp cứu. Qua xác minh của các cơ quan chức năng, các em học sinh tại trường THCS Hữu Nghị ăn sáng tại cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố của một người dân trên địa bàn. Nguyên nhân được xác định bởi các em học sinh bị ngộ độc thực phẩm do đồ ăn được chế biến không đảm bảo.
Bên cạnh đó, mới đây Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 140 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm. Theo đó, số người phải nhập viện tại bệnh viện Sông Mã được xác định bị ngộ độc trong khi đi ăn cỗ cưới tại bản Nà Mện, xã Nậm Ty; hầu hết các bệnh nhân đều có biểu hiện buồn nôn, đi ngoài và sốt.
Ngoài ra, trung tuần tháng 5/2018, 75 sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phải nhập viện với triệu chứng nôn, sốt, đi ngoài. Trước đó, các sinh viên này đã sử dụng đồ ăn, thức uống trong buổi tiệc chia tay cuối khóa, sau đó bị ngộ độc thực phẩm. Sau khi được các y, bác sĩ tại các cơ sở y tế địa phương chăm sóc, 75 sinh viên đã được đảm bảo sức khỏe và một số được cho về nhà.
Những vụ việc trên xảy ra trong thời gian ngắn và có tính liên tục nên khiến nhiều người dân không khỏi lo lắng. Theo ông Trần Ngọc Tụ, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, để không xảy ra tình trạng bị ngộ độc thực phẩm, người dân và các cơ sở kinh doanh ăn uống cần thực hiện tốt 10 nguyên tắc “vàng” nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bao gồm:
Chọn thực phẩm an toàn, nấu kỹ thức ăn, ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín, bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu chín, đun kỹ lại thực phẩm trước khi ăn, không để lẫn thực phẩm sống và chín, luôn giữ bàn tay chế biến thực phẩm sạch sẽ; giữ bề mặt chế biến, bếp luôn khô ráo, dụng cụ chế biến sạch sẽ; bảo vệ thực phẩm khỏi các loài côn trùng, loài gặm nhấm và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch...
Bên cạnh đó, người sản xuất, trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chứ không nên vì lợi nhuận trước mắt mà có cách làm ăn thiếu đứng đắn vừa vi phạm pháp luật, đồng thời gây mầm bệnh và hậu quả xấu cho cộng đồng.
Theo Hà Sơn/thoibaonganhang.vn