Phụ huynh “ngồi trên đống lửa”?
Theo anh Nguyễn Huỳnh Thuật cho hay: “Hơn 2 tháng qua, sinh hoạt của cả gia đình tôi bị đảo lộn; hầu như, quỹ thời gian đều dành hết cho bé Nguyễn Lê Nhật Minh 7 tuổi, con trai thứ 2 của gia đình, vì phải thường xuyên nhập viện cấp cứu. Từ ngày cháu bị đau bụng vì uống sữa học đường, việc học bị ảnh hưởng rất nhiều. Bây giờ chỉ mong sao cháu hết hẳn bệnh để gia đình yên tâm làm ăn”.
Sáng ngày 7/5 các học sinh vẫn ôm bụng kêu đau và phải cấp cứu
Trong khi đó, ông Châu Văn Mạo, ông ngoại của bé Châu Ngọc Lan học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng, Tân Phú, Đồng Nai (một trong 7 bé bị ngộ độc nặng thường xuyên phải nhập viện) cho biết: “Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, ba mẹ cháu ly hôn từ khi cháu mới sinh, mẹ cháu hiện tại bị hỏng giác mạc không thể nhìn thấy, cháu sống với ông bà ngoại từ nhỏ, từ khi bị ngộ độc sữa học đường cháu thường xuyên phải nghỉ học, ông bà ngoại phải nghỉ công việc làm thuê để chăm sóc cháu. Mới xuất viện về được 2 ngày lại phải nhập viện lại vì cháu thường nôn ói đau bụng và đi ngoài phân đen, chảy máu cam...”.
Bé Nguyễn Ngọc Như Ý giờ vẫn phải cấp cứu ở bệnh viện Nhi đồng 1 Tp.HCM vì bệnh không thuyên giảm
Chị Phạm Hồ Thanh Hương mẹ cháu Nguyễn Ngọc Như Ý 6 tuổi hiện đang điều trị tại khoa tiêu hoá bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM chia sẻ: “từ ngày 2/3/2018, con chị uống sữa học đường ở trường xong thì có hiện tượng ói nhiều cấp cứu tại Bệnh viện Tân Phú Đồng Nai, không thuyên giảm nên phải chuyển lên bệnh viện nhi đồng 1 TP.HCM, tình trạng nôn ra máu, nôn một ngày nhiều lần, đi cầu trong một ngày liên tục, khiến cho cơ thể ngày một suy kiệt, đến nay thì cháu đuối lắm rồi”- Chị Hương khóc trong nước mắt.
Đây chỉ là 3 trường hợp điển hình của những học sinh sức khoẻ đang có vấn đề khi uống sữa học đường vào cùng một thời điểm sáng ngày 2/3/2018 tại trường học theo chương trình “sữa học đường” do đơn vị Nutifood cung cấp.
Chưa xác định được nguyên nhân?
Theo các phiếu xét nghiệm của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế Đồng Nai, sau khi xảy ra sự việc, đã lấy mẫu sữa và đưa đi kiểm nghiệm đạt yêu cầu.
Còn việc lấy mẫu kiểm tra có đúng quy trình hay không vẫn là ẩn số? Tuy nhiên, dù thời gian trôi qua đã khá lâu nhưng nhiều cháu vẫn còn những dấu hiệu bất thường về sức khỏe phải nhập viện lại để khám và theo dõi. Chính vì sự việc kéo dài, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nôn ói của các cháu chưa được điều tra làm rõ khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật trình bày vụ việc với cơ quan truyền thông
Anh Nguyễn Huỳnh Thuật cho rằng: “Nếu một vài trường hợp bị ngộ độc còn có thể lý giải là do nhiều nguyên nhân dẫn đến, đằng này 73 học sinh bị ngộ độc trong một buổi sáng thì không thể là nguyên nhân khách quan mà chính là sản phẩm sữa có vấn đề”.
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai ngay sau khi xảy ra vụ việc
Trong khi đó, theo thông tin trước đó, bà Trương Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai công bố, giữa tháng 2/2018, công ty sữa Nutifood trúng thầu cung cấp sữa tươi cho chương trình “Sữa học đường” và chính thức giao lô sữa đầu tiên đến các trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào chiều ngày 1/3.
Sáng ngày 2/3, Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Phú Lộc) tổ chức cho 204 học sinh các khối lớp 1, 2 và 3 uống sữa thì xảy ra vụ việc khiến hàng chục em học sinh có triệu chứng người tái xanh, đau bụng và ói mửa. Cùng thời điểm, trường Mầm non Phú Lộc (xã Phú Lộc) tổ chức cho hơn 400 trẻ uống sữa học đường do Nutifood cung cấp thì có một số trẻ có biểu hiện tương tự. Thời báo Doanh nhân sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về vụ việc đến bạn đọc.
Theo Nhóm PVĐT/tbdn.com.vn