Mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ tạm, chợ cóc: Bài toán không có lời giải? (03/05/2018)

Chợ tạm, chợ cóc đã và đang tồn tại song song với nhu cầu của nhiều người dân. Mặc dù hệ quả của nó gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thực phẩm được bày bán tại chợ tạm, chợ cóc đa số không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các cấp chính quyền đã có nhiều biện pháp dẹp bỏ, nhưng nhiều chợ cóc, chợ tạm vẫn hoạt động, người dân hằng ngày vẫn mua bán thực phẩm không an toàn...


Nhiều chợ cóc trên địa bàn thành phố. Ảnh minh họa

Tờ mờ sáng, nhìn chưa rõ mặt người, khu chợ tạm phố Bồ Đề, phường Bồ Đề (quận Long Biên) hàng hóa đã được bày biện la liệt. Tiếng người mua bán rôm rả: Hoa quả của quê mang đi bán hay lấy hàng tẩm hóa chất? Rau một luống hay hai luống? Trứng gà quê thật hay trứng Trung Quốc?... Trả lời những câu hỏi là chất giọng the thé khẳng định hàng hóa thực phẩm của mình là “xịn”.

Đến đây, người mua lạc vào “ma trận” thực phẩm, chẳng còn biết thực phẩm an toàn hay không. Hễ hỏi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, sẽ được “ăn” mắng với những lời mỉa mai: Người ta bán hàng ở đây thâm niên rồi, có phải mới đâu mà hỏi giấy chứng nhận này nọ...

Tương tự, tại các khu chợ cóc ở đường Bạch Đằng, đường Hồng Hà (quận Hoàn Kiếm), ngõ 459 Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng), ngõ Giáp Bát (quận Hoàng Mai)... có cơ man thực phẩm bằng cảm quan đã thấy mất vệ sinh an toàn, thực phẩm tươi bày biện dưới đất; quả tươi như vừa hái nhưng núm được dùng “thủ thuật” cắt cuống che giấu sự thật hoa quả cũ được “phủ” hóa chất cho tươi.

Đặc biệt, không thấy dấu chứng nhận an toàn thực phẩm đóng trên những thực phẩm tươi sống như ở các chợ chính thống. Những quầy hàng ăn không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm nào được trưng bày.

Ông Trần Hồng Việt, Phó chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm, quận Long Biên chia sẻ, trên địa bàn có 3 chợ. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuần 2 buổi tổ kiểm tra của UBND phường kiểm tra trực tiếp công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh tập huấn cán bộ làm công tác này và tuyên truyền rộng rãi đến người trực tiếp sản xuất, kinh doanh... Đồng thời gắn trách nhiệm cho Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Chi hội Phụ nữ...

Tuy nhiên, ông Việt cho rằng chưa ngăn chặn được thực phẩm không an toàn do thiếu chế tài xử phạt để răn đe các hành vi vi phạm; chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn thực phẩm ở cấp phường...

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch UBND phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng cho rằng, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ cóc, chợ tạm chỉ chủ yếu bằng cảm quan và nhắc nhở, vì thiếu cán bộ chuyên môn lẫn thiết bị, chế tài xử phạt còn nhẹ...

Theo Thanh Bình/hanoimoi.com.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
72
Tổng truy cập:
5790054