Liên kết đưa thực phẩm an toàn đến với người dân Hà Nội
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố vừa có báo cáo số về kết quả khảo sát chuỗi giá trị trong sản xuất và phân phối sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đánh giá của Ban Kinh tế - Ngân sách, hiện nay Hà Nội đã xây dựng và phát triển được được 65 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn (trong đó có 27 chuỗi có nguồn gốc động vật, 38 chuỗi nguồn gốc thực vật); hình thành và phát triển một số vùng sản xuất tập trung; vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo hơn trước; giá trị sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng; thị trường cơ bản ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, HTX tham gia chuỗi ngày càng hiệu quả hơn. Khảo sát tại Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Việt Liên, HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì, Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam... cho thấy, đã từng bước hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tuy nhiên, tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp (chiếm tỷ trọng dưới 10% tổng lượng sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ trên thị trường Hà Nội); Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp của Thành phố gặp nhiều khó khăn trong thực hiện, kết quả rất hạn chế (ví dụ như chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất); Thành phố chưa có chính sách đồng bộ, riêng về khuyến khích phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp mà chủ yếu hiện nay đang vận dụng các cơ chế, chính sách hiện có để áp dụng cho việc triển khai và phát triển các chuỗi giá trị.
Thực tế, sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội đảm bảo sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của nhà cung ứng, phân phối không nhiều hoặc có nhưng sản lượng rất ít (sản xuất nhỏ lẻ, manh mún) nên không thể tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng tại một số siêu thị trong nước hoặc phục vụ xuất khẩu.
Trong khi đó, khả năng huy động vốn, tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, việc tiếp cận và tích tụ đất đai của doanh nghiệp, HTX tham gia phát triển chuỗi còn khó khăn, hạn chế dẫn đến việc mở rộng, phát triển các chuỗi giá trị còn chậm và ít; Công tác thông tin tuyên truyền, phát triển các kênh giới thiệu tiêu dùng sạch đến người tiêu dùng còn chưa sâu rộng, chưa đa dạng nên nhận thức, thói quen tiêu dùng về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn còn chưa đầy đủ...
Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát tất cả các cơ chế, chính sách của Trung ương, Thành phố. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp nằm trong tổng thể chính sách khuyến khích nông nghiệp theo hướng tập trung hỗ trợ theo phương thức gián tiếp, sau đầu tư như: Tiếp cận vốn vay, dành nguồn ngân sách hỗ trợ sau đầu tư; tiếp cận đất đai, cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo khung pháp lý, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình sản xuất-kinh doanh nông sản... nhằm đạt mục tiêu tổng thể phát triển nông nghiệp Thủ đô bền vững, giá trị gia tăng cao, góp phần ổn định trật tự xã hội khu vực nông thôn trên địa bàn Thành phố...
Theo HIỂU MINH/tienphong.vn