Báo động đỏ về mất an toàn thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm (09/04/2018)

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa trong công tác truyền thông về an toàn thực phẩm trước thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đáng báo động như hiện nay.


Ông Trần Ngọc Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết cần phải kết nối được thực phẩm sạch, địa chỉ xanh tới người tiêu dùng

Theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được. Từ số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2.

Tại hội thảo "Hợp tác truyền thông an toàn thực phẩm" vừa diễn ra, số liệu thống kê từ các cơ quan tham dự cho thấy, thực trạng mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương.

Trung bình mỗi năm có gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011 – 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh.

Trước tình trạng trên, nhiều năm qua, Nhà nước và các bên liên quan đã có nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này tuy nhiên, kết quả thu được vẫn còn hạn chế, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Yến nêu rõ các cơ sở pháp lý của công tác truyền thông về an toàn thực phẩm và cho biết, việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm đã được tăng cường trong thời gian qua với nhiều hình thức đa dạng.

Cụ thể, trong năm 2017, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát sóng tới 69 chương trình về an toàn thực phẩm với các chuyên mục “Nói không với thực phẩm bẩn”, "Tuyên chiến với thực phẩm bẩn" hay “Nông nghiệp sạch”, mỗi tháng sản xuất 400 - 500 tin bài về an toàn thực phẩm.

Mặc dù vậy, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm thừa nhận: “Công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm vẫn chưa thường xuyên. Các phương tiện thông tin đại chúng chưa chú trọng đến việc nêu gương, khuyến khích các mô hình sản xuất, quản lý an toàn thực phẩm tốt, tiên tiến".

Ông Trần Ngọc Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết thêm, hiệu quả công tác truyền thông về an toàn thực phẩm chưa cao, chưa công khai được cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, truyền thông, tư vấn trực tiếp của cán bộ có chuyên môn về y tế, nông nghiệp hầu như chưa được quan tâm, kiến thức và hiểu biết về an toàn thực phẩm của người dân còn rất hạn chế. Chưa kết nối được thực phẩm sạch, địa chỉ xanh tới người tiêu dùng".

Với tinh thần “Tăng cường trách nhiệm người sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn”, bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, muốn truyền thông về an toàn thực phẩm có hiệu quả cần chú ý 4 nội dung sau:

Thứ nhất, công tác truyền thông về an toàn thực phẩm muốn đạt hiệu quả cao cần phải có sự tham gia, phối hợp của nhiều thành phần gồm cơ quan nhà nước, báo chí, doanh nghiệp, người tiêu dùng và tổ chức xã hội.

Thứ hai, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm.

Thứ ba, xây dựng được mạng lưới (nhóm công tác) trong lĩnh vực truyền thông về an toàn thực phẩm.

Thứ tư, thái độ và cách ứng xử của người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong truyền thông về an toàn thực phẩm.

Theo Anh Nguyên/TheLEADER

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
72
Tổng truy cập:
5790054