Trước đó, ngày 29/7/2013, Báo mạng Tân Hoa Xã, Nhân dân của Trung Quốc đưa tin Kênh truyền hình CCTV cho biết, màng bọc bảo quản thực phẩm PVC tại Trung Quốc có chứa chất dẻo cấm sử dụng là DEHA.
Theo CCTV, Trung tâm tư vấn kỹ thuật bảo vệ môi trường Bắc Kinh đã lấy 16 mẫu màng bảo quản PVC từ các siêu thị của Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm tra cho thấy có 15/16 loại có chứa chất dẻo cấm sử dụng là DEHA (diethylhydroxylamine). Trong đó, mức thấp nhất vượt ngưỡng cho phép 98 lần, cao nhất vượt ngưỡng 472 lần, bình quân vượt ngưỡng gấp 200%.
Tuy nhiên, thông tin của CCTV và các báo mạng của Trung Quốc chưa nêu cụ thể tên sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất các màng bảo quản không đảm bảo trên.
Trước thông tin cảnh báo trên, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Viện Vệ sinh - Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh tại Công văn số 1542/ATTP-NĐ ngày 30/7/2013 lấy mẫu giám sát, kiểm nghiệm DEHA và những hóa chất thôi nhiễm độc hại khác đối với sản phẩm màng bọc bảo quản thực phẩm PVC tại 2 thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trước mắt tập trung các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Màng bọc thực phẩm PVC chứa một số chất gây ung thư, vô sinh. Ảnh minh họa
Kết quả cho thấy, 2/2 mẫu màng bọc bảo quản thực phẩm polyetylen (PE) không gây thôi nhiễm DEHA. 13/13 mẫu màng bọc bảo quản thực phẩm polyvinyl chloride (PVC) có thôi nhiễm DEHA nhưng không vượt ngưỡng cho phép theo quy định của EU tại văn bản số 10/2011 ngày 14/1/2011 (3mg/1dm2 tương đương 18mg/kg thực phẩm).
Theo một chuyên gia về polimer thuộc Trung tâm phát triển công nghệ cao (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thì từ những năm 80, 90 thế kỷ trước nhiều nước đã cấm sử dụng nhựa PVC để đựng thực phẩm, bia rượu, nước uống. Nguyên do trong thành phần PVC có một số chất độc mà khi dùng bảo quản thực phẩm thì nguy cơ bị thôi nhiễm rất dễ. Trong khi đó, nhựa PE an toàn, được sử dụng rộng rãi với ngành thực phẩm.
Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng tốt nhất nên sử dụng màng bọc PE, nếu sử dụng màng bọc PVC thì không nên trực tiếp bọc đồ chín và không nấu trong lò vi sóng. Trên sản phẩm làm từ nhựa PVC cũng khuyến cáo không cho tiếp xúc với lửa, các loại thực phẩm chứa dầu mỡ, không sử dụng màng bọc thực phẩm ở nhiệt độ cao trên 70 độ C nhưng hầu hết người dùng đều sử dụng theo thói quen để bọc thức ăn có tiếp xúc dầu mỡ.
Cũng theo các chuyên gia hoa học, khi sản xuất màng PVC thường có thêm một số chất phụ gia để tăng độ mềm dẻo cho sản phẩm. Đa phần những chất này gây ung thư, vô sinh cho người dùng, nhất là dùng để bảo quản các loại đồ ăn còn nóng.
Còn theo một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại bao bì thực phẩm, giá thành sản xuất PVC rẻ hơn PE rất nhiều. Trên cơ sở hóa lý khác nhau mà hầu hết các nước chỉ cho phép dùng màng, túi, bao bì đựng thực phẩm bằng PE (polyethylene) do an toàn với sức khoẻ người sử dụng. Còn PVC (polyvinyl chloride) không được sử dụng do có chứa chloride, một loại chất kết tủa nguy hại.
Đáng nói là muốn tìm loại màng bọc PE hiện nay không dễ, bởi ngay những kênh bán hàng lớn như siêu thị, cửa hàng nhựa cũng ít có. Sản phẩm PE chỉ có các loại túi đựng thực phẩm có lớp khóa nhựa phía trên, được đóng trong hộp giấy, giá bán cao gấp hai, ba lần loại màng bọc. Song nhiều người tiêu dùng cho rằng sử dụng loại túi này rất bất tiện. Do thực phẩm mua về sơ chế hay thức ăn dư sau mỗi bữa cơm thường được đưa vào tô, dĩa… còn dùng màng bọc phủ kín đưa vào tủ lạnh tiện dụng, mỏng, dễ bám dính hơn là bỏ vào túi.
Theo Vân Thảo/vietq.vn