Ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn (07/02/2018)

Thời gian qua, hoạt động quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm có những chuyển biến tích cực, đã hình thành một số vùng sản xuất, kinh doanh rau, quả tươi sống, chăn nuôi an toàn, giết mổ tập trung… bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).

Số lượng cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn ngày càng tăng, thậm chí đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thực phẩm với công nghệ cao theo chuỗi khép kín. Ði liền với đó, việc kiểm soát các nguy cơ mất an toàn có tiến bộ; hoạt động thanh tra, kiểm tra được tăng cường… Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều vụ ngộ độc xảy ra gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.



Nhiều loại thực phẩm không đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm

Trong thời điểm chỉ còn khoảng mười ngày nữa là đến Tết Nguyên đán và sau đó là các lễ hội mùa xuân, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao càng làm cho vấn đề bảo đảm ATTP thêm những thách thức lớn. Tại không ít địa phương, tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến; việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm diễn ra ở nhiều nơi; hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được an toàn vẫn chiếm tỷ trọng lớn; công nghệ chế biến lạc hậu; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn nhiều khó khăn; tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm về vệ sinh thú y, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... diễn biến phức tạp. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng và các địa phương thì đây là cơ hội để những loại thực phẩm không bảo đảm an toàn được đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa.

Thực trạng đó đòi hỏi sự vào cuộc tổng lực, từ các lực lượng chức năng (y tế, nông nghiệp, công thương, quản lý thị trường…) đến chính quyền các cấp trong tuyên truyền, phổ biến các quy định; vận động người sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định. Ðáng chú ý, trong giai đoạn giáp Tết này thì việc thanh tra, kiểm tra là rất quan trọng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc cung ứng các thực phẩm không bảo đảm an toàn đến tay người sử dụng. Ðược biết, ngoài sáu đoàn của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm trực tiếp kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố thì tại các địa phương cũng tổ chức hàng nghìn đoàn với hàng chục nghìn đợt kiểm tra được triển khai. Các đoàn kiểm tra tập trung vào những nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao (thịt, trứng, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…); các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu.

Tuy nhiên, từ các đợt kiểm tra, thanh tra về ATTP nói chung hay các đợt lễ, Tết nói riêng, việc xử lý vi phạm chưa kiên quyết, còn có biểu hiện nể nang, né tránh; chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe. Do vậy, các đoàn thanh tra cần tăng cường xử phạt vi phạm khi quy định mới về xử phạt đã có hiệu lực. Cụ thể, đối với những hành vi vi phạm về ATTP, như thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam..., tùy tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị phạt tù. Mặt khác, quá trình thanh tra, kiểm tra, khi phát hiện các đơn vị vi phạm cần công khai tên, địa chỉ, sản phẩm, cơ sở vi phạm để tăng tính răn đe cũng như giúp người tiêu dùng biết và lựa chọn mua những loại thực phẩm an toàn.

Theo MINH HOÀNG/ NDĐT

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
73
Tổng truy cập:
5790054