Bộ Y tế cũng có chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để người dân đón Tết an toàn, vui vẻ.
Miếng ăn có thể đổi mạng người
Theo chia sẻ của các bác sĩ khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), trung tuần tháng 1, khoa tiếp nhận bệnh nhân 8 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) trong tình trạng thiếu máu cấp, sốt cao, tiểu đỏ. Khai thác tiểu sử, trẻ không có gì đặc biệt, ngoại trừ thông tin gia đình cung cấp trước đó 3 ngày bé cùng chị họ ăn thịt bò khô có nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc. Sau khi ăn 1 ngày, trẻ bắt đầu có dấu hiệu lạ như đau đầu, chóng mặt, sốt nhẹ. Đến ngày thứ 2 tiểu ra máu đỏ, nôn nhiều dù được uống men tiêu hóa, orezol nhưng tình trạng không thuyên giảm nên được đưa vào viện cấp cứu.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi bị tan máu do nhiễm độc. Bé được cấp cứu hồi sức và điều trị tích cực, truyền máu. Sau 2 ngày điều trị, bé qua cơn nguy kịch. Hiện bé được ra viện do các chỉ số trở về bình thường tuy nhiên vẫn cần theo dõi biến chứng và khám định kỳ.
Đây là một trong rất nhiều trường hợp ngộ độc liên quan đến ăn uống ở nước ta. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề nóng bởi liên quan đến mọi người và luôn để lại hậu quả nặng nề với sức khỏe người bệnh.
Thực phẩm bẩn đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ
Từ trường hợp ngộ độc trên cho thấy, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có mặt ở mọi nơi, chờ cơ hội để len lỏi vào từng gia đình. Thực phẩm bẩn đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, bởi cơ thể trẻ nhạy cảm trong khi sức đề kháng yếu, chưa biết phân biệt mùi vị, màu sắc lạ nên rất dễ ăn phải đồ không an toàn...
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề nhức nhối với cơ quan chức năng và cả người dân. Nhức nhối bởi tình trạng thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên tồn tại. Nhức nhối bởi tâm lý tích trữ thức ăn trong những ngày Tết là nguyên nhân khiến thực phẩm trở nên không an toàn do bảo quản không đúng cách. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, bác sĩ Tiến cho rằng các bà nội trợ không nên mua quá nhiều thực phẩm; Bảo quản đúng cách và đảm bảo an toàn trong chế biến (không để lẫn thực phẩm sống - chín, rửa tay trước khi chế biến thức ăn cũng như cho trẻ ăn, giữ vệ sinh khu chế biến và không sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc...).
Trước thực trạng thực phẩm bẩn vẫn tồn tại như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các địa phương tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, các địa phương cần chủ động kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm để hạn chế mặt hàng không đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được tung ra thị trường.
Mặt khác, các đoàn kiểm tra, phòng xét nghiệm phải lấy mẫu khi có nghi ngờ và trả kết quả sớm để có khuyến cáo kịp thời tới người tiêu dùng, đồng thời xử phạt nghiêm cơ sở vi phạm. Với các cơ sở điều trị, phải chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân trong dịp này.
Trong năm 2017, cả nước xảy ra 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, 3.705 người đi viện, 24 trường hợp tử vong. So với năm 2016, số vụ ngộ độc giảm 16,3%, số người mắc giảm 10,2%, số người đi viện (giảm 0,7%). Tuy nhiên, số người tử vong tăng 12 người. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do ngộ độc rượu, còn lại do độc tố tự nhiên.
|
Theo Thanh Tâm/ GD&TĐ