Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng ở nhiều địa phương đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí nhiều sản phẩm đã bốc mùi hôi thối đang được vận chuyển đi tiêu thụ. Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đã có chỉ thị yêu cầu ban chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018.
Trà sữa trân châu đến nội tạng động vật, xúc xích... đều không có nguồn gốc và bốc mùi hôi thối
Mới đây nhất, tối 26/12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, đơn vị này đang tạm giữ 4 tấn phụ gia gồm trà sữa, trân châu, siro... không rõ nguồn gốc, trị giá khoảng 600 - 700 triệu đồng đang chuẩn bị được lưu chuyển vào Đà Nẵng. Các sản phẩm này hầu hết không có bao bì, nhãn phụ, một số sản phẩm có bao bì in chữ tượng hình. Các loại nước hoa quả được đựng trong các chai nhựa “cởi trần”, không có bất cứ dấu hiệu nhận dạng nào, không có hạn sử dụng cũng như nơi sản xuất. Khi được cơ quan chức năng yêu cầu, chủ hàng là anh Nguyễn Văn Toan (trú tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của lô hàng.
Tăng cường kiểm tra thực phẩm trong dịp Tết
Trước đó, tại Km 508 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Thạch Lâm, Thạch Thành, qua kiểm tra xe ôtô tải BKS 29H-05831 vi phạm Luật An toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện trên xe có nhiều bì tải chứa nội tạng trâu bò với tổng trọng lượng 670kg. Toàn bộ số hàng nói trên đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. Đồng thời khai nhận mua số nội tạng trên tại huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội mang về Thanh Hóa tiêu thụ.
Tại Hà Nam, qua kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh ở xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng, cơ quan chức năng phát hiện trong các kho lạnh và tủ bảo ôn có 12,5kg xúc xích Vealz quá hạn sử dụng; 62,5kg chân, cánh, đùi gà và 133kg nem thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm khác ở TP. Phủ Lý, Phòng Cảnh sát môi trường cũng đã phát hiện 130kg thực phẩm đông lạnh gồm phô mai que; mực một nắng; chả ram; thịt xông khói; tôm đã sơ chế quá thời hạn sử dụng, đang trong giai đoạn phân hủy. Quá trình làm việc, đại diện các công ty không xuất trình được các giấy tờ, thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh thực phẩm.
Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP
Trước thực trạng này, mới đây, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành TW về VSATTP đã ký Chỉ thị số 09/CT- BCĐTWVSATTP về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa Lễ hội Xuân 2018. Theo chỉ thị này, Ban Chỉ đạo liên ngành TW về VSATTP chỉ thị Ban Chỉ đạo liên ngành các tỉnh, thành phố về VSATTP đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật về điều kiện ATTP đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định nguồn gốc, bảo đảm ATTP đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm; vệ sinh ăn uống; lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn; phòng, chống ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn, lạm dụng rượu
Ban Chỉ đạo TW cũng yêu cầu các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP. Tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm như: các chợ, trung tâm thương mại đầu mối; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả tươi sống, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tập trung trên địa bàn. Kết hợp lấy mẫu thực phẩm, ưu tiên xét nghiệm sớm các chỉ tiêu về ATTP. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cửa khẩu, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu thực phẩm qua biên giới.
Theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo TW, các địa phương công khai các cơ sở vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm để cảnh báo cho cộng đồng, đồng thời biểu dương và công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt các quy định về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Theo Thái Bình/SKĐS.VN