Rau nhiễm độc vì được rửa bằng nước ô nhiễm (24/03/2014)

Nằm ngay sát nhà máy giày, những kênh mương đen kịt, bốc mùi hôi thối, chứa xác động vật chết lại trở thành nguồn nước tưới cho gần chục héc ta rau ở Phúc Lý, Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội - nguồn cung cấp rau cho một bộ phận dân Thủ đô.

Nguồn nước bẩn được người dân dùng để tưới rau tại thôn Phúc Lý, Minh Khai, Từ Liêm. 

Một phần diện tích trồng rau của thôn Phúc Lý, xã Minh Khai, Từ Liêm được trồng ngay sát nhà máy giày Thụy Khuê, cạnh hệ thống kênh mương đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối, chứa nhiều xác động vật. Anh Ngà (người trồng rau) cho biết : “Khu vực này chủ yếu dẫn nước từ sông Nhuệ theo hệ thống kênh mương vào để phục vụ việc tưới, rửa rau”.

Ngoài dùng nước này để tưới rau, ngay cạnh mương nước nhiều người dân dựng bậc thang xuống lấy nước. Sau khi thu hoạch người dân còn dùng chính nguồn nước này để rửa rau trước khi mang đi bán.

Không chỉ dùng nước tưới không đảm bảo, người trồng rau dùng rất nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật. Tại đầu bờ của mỗi ruộng rau, mùi thuốc sâu nồng nặc, la liệt các vỏ bao bì đã được sử dụng. 

Mặt khác, thời gian thu hoạch là sau 7 ngày phun thuốc nhưng theo quan sát, những ruộng rau xà lách, rau cải sắp sửa được thu hoạch đều nồng nặc mùi thuốc sâu. 

Riêng rau muống, theo lời một người trồng rau, còn được dùng loại thuốc kích thích, chỉ thời gian ngắn là ngọn vươn lên xanh non mơn mởn, được thu hoạch ngay.

Cánh đồng rau Phúc Lý, Từ Liêm phong phú các loại rau, nhiều loại rau ăn sống như: rau xà lách, mầm cải, rau thơm. Chị Hoa (một người trồng rau) chia sẻ: “Cứ sáng sớm, người thu mua rau đến tận vườn. Từ đây, rau được bán ra các chợ cầu Diễn, Dịch Vọng, Ngã Tư Sở. Nguồn rau ở đây cũng được bán ở nhiều chợ đầu mối”.

Nguy cơ rau nhiễm độc, giun sán, ký sinh trùng

Ông Nguyễn Văn Thập, Chủ nhiệm HTX Phúc Lý (Minh Khai, Từ Liêm) cho biết, diện tích đất trồng rau quanh khu vực nhà máy giày thuộc giáp ranh giữa thôn Trù 2 (xã Cổ Nhuế) và thôn Phúc Lý (xã Minh Khai) nên không thuộc phạm vi quản lý của HTX. 

Những hộ dân trồng rau trên diện tích gần 10 ha này chủ yếu là tự túc, không chịu sự quản lý của HTX nên không tránh khỏi việc sản xuất rau không đảm bảo an toàn theo quy định.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Nguồn nước nhiễm bẩn, ô nhiễm có thể mang theo các chất như lưu huỳnh, chì, thủy ngân… qua rễ lên thân rau sau khi tưới, đồng thời các chất bẩn lại bám trên bề mặt rau khi rửa vào nguồn nước ô nhiễm khiến rau bị nhiễm độc. Ngoài ra, nguồn nước bẩn còn là môi trường thuận lợi để các loại trứng giun, sán phát triển và kí sinh trong rau”.

Từ những luống rau mới trồng đến rau chuẩn bị thu hoạch đều được người trồng phun thuốc. Nhiều loại thuốc trừ sâu được sử dụng như carbenzim 50wp (thuốc đặc trị nấm trên cây trồng), vieteam. 

Nhiều loại thuốc trừ sâu dùng cho cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày như mopride, ricide 72wp cũng được dùng để phun cho rau. Là những loại thuốc có tính đặc trị cao, thấm sâu mạnh, các loại thuốc sâu này có nguy cơ nhiễm độc vào lá.

Theo TP

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
29
Tổng truy cập:
5790054