Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến JAIMA của Nhật Bản, có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, nhà cung cấp thiết bị thí nghiệm của Việt Nam và Nhật Bản, gồm: Đại diện Ban đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà khoa học, các diễn giả của Việt Nam và JAIMA của Nhật Bản, các cơ quan báo chí của Trung ương và của VinaLab,…
TS. Nguyễn Hoàng Linh phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chủ tịch Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam, cho biết: Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình này làm gia tăng các yếu tố làm ô nhiễm môi trường và thực phẩm. Hội thảo lần này góp phần định hướng phát triển thành sự kiện thường niên nhằm phát triển các công nghệ mới, phương pháp phân tích tối ưu nhằm đáp ứng nhu cầu phân tích của Việt Nam và Nhật Bản. Hội thảo cũng là cơ hội để phát triển mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực phân tích, xác định các chất gây ô nhiễm truyền thống hay mới nổi dạng vết thuộc lĩnh vực môi trường và an toàn thực phẩm; là diễn đàn để trao đổi những kinh nghiệm trong phân tích, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của Việt Nam và Nhật Bản.
"Hội thảo sẽ là nơi để các nhà phân tích của Việt Nam và Nhật Bản hợp tác phát triển thị trường sản xuất, cung cấp các trang thiết bị trong phân tích môi trường, an toàn thực phẩm", TS. Nguyễn Hoàng Linh bày tỏ mong muốn và đánh giá cao sự phối hợp của các bên để tổ chức hội thảo. Đây là lần thứ 2 hội thảo được tổ chức nhưng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, các Hội viên của VinaLab.
GS.TS Yasuaki Maeda phát biểu tại hội thảo.
Các đại biểu tại hội thảo.
Với ý nghĩa đó, hội thảo tập trung vào các nội dung chính, gồm: (1) Những tiến bộ trong công nghệ phân tích, thử nghiệm ứng dụng trong kiểm nghiệm và giám sát chất lượng thực phẩm và môi trường ở Nhật Bản; khả năng chuyển giao ứng dụng tại Việt Nam. (2) Kết quả nghiên cứu mới trong phân tích, thử nghiệm chất lượng thực phẩm và môi trường ở Việt Nam và Nhật Bản. (3) Hợp tác quốc tế trong trao đổi học thuật và công nghệ kỹ thuật phân tích thử nghiệm giữa VinaLab, Trường đại học khoa học tự nhiên với Jaima, Trường đại học Tokyo. (4) Khuyến nghị chính sách trong hoạt động phân tích, thử nghiệm và phát triển công nghệ, thiết bị mới phục vụ phát triển bền vững ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, hội thảo đã nghe các báo cáo viên, nhà khoa học của Nhật Bản chia sẻ nhiều nội dung quan trọng: GS.TS Mawatari Kazuma đến từ Đại học Tokyo chia sẻ về Công nghệ kênh dẫn vi lưu (Microfluidic và Nanofluidic) phục vụ phân tích hóa học siêu nhạy, cho phép phân tích kiểm soát trên quy mô rất nhỏ và thiết bị nhỏ gọn, tiết kiệm chi phí, hiệu quả hơn hệ thống thông thường khác.
GS.TS Mawatari Kazuma cho biết, công nghệ này đang từng bước trở thành công nghệ mũi nhọn cho phép chế tạo những vi hệ thống sử dụng những vi thể tích chất lỏng, (còn được biết đến với cái tên “phòng thí nghiệm siêu nhỏ tích hợp trên một con chip” lab-on-chip).
Hội thảo cũng nghe GS.TS Mawatari Kazuma chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới về Microfluidic và Nanofluidic, đồng thời giới thiệu khả năng ứng dụng vào một số lĩnh vực công nghệ cao hiện nay như hóa sinh, sinh học phân tử, bào chế thuốc,…
“Những tiến bộ trong công nghệ phân tích, thử nghiệm, giám sát môi trường và an toàn thực phẩm – Yếu tố quan trọng để phát triển bền vững ở Việt Nam” là hội thảo quốc tế lần thứ 2 do VinaLab và JAIMA tổ chức, có sự tham gia của hơn 40 tổ chức với hơn 250 đại biểu của Việt Nam và Nhật Bản, đại diện cho các nhà nghiên cứu, Hội viên VinaLab, tổ chức khoa học công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu liên quan trong nước, nhà sản xuất thiết bị phân tích phía Nhật Bản.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã nghe GS.TS Yasuaki Maeda của Đại học tỉnh Osaka (nguyên chuyên gia cao cấp của JICA về môi trường tại Việt Nam giai đoạn 2004-2008) trình bày về các kết quả nghiên cứu về ô nhiễm không khí ở Việt Nam; TS. Eri Matsumoto - Trưởng bộ phận phân tích vô cơ, Phòng thí nghiệm nghiên cứu về thực phẩm Nhật Bản trình bày về hiện trạng và xu hướng phân tích kim loại nặng trong thực phẩm ở Nhật Bản.
PGS.TS Lê Đức Minh, Khoa môi trường, Trường đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN báo cáo về phân tích gen môi trường - một trong những hướng nghiên cứu mới dựa trên tiếp cận về ảnh hưởng của các tác nhân môi trường lên hệ gen và các gen cụ thể; TS. Nguyễn Văn Thường, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam trình bày về thực trạng và quản lý hoạt động phân tích thực phẩm và môi trường ở Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Văn Nội báo cáo tại hội thảo.
Báo cáo kết quả hợp tác quốc tế giữa Trường đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Tokyo, Nhật Bản, GS.TS Nguyễn Văn Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQGHN, cho biết, nhiều năm qua, nhà trường đã duy trì và đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác nhằm phát triển các phương pháp phân tích, thử nghiệm, kiểm nghiệm về môi trường và an toàn thực phẩm.
Thông qua hội thảo, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phân tích thử nghiệm phục vụ kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm và môi trường ở Việt Nam và Nhật Bản đã được các nhà khoa học, các nghiên cứu viên và kỹ thuật viên báo cáo, trao đổi học thuật và thảo luận, cùng cập nhật kỹ thuật mới để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong hoạt động chuyên môn.
Ban tổ chức hội thảo VinaLab-Jaima 2023 chụp ảnh lưu niệm.
Trước đó vào năm 2021, tại Hà Nội, Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam và JAIMA đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học lần thứ nhất với chủ đề “Kiểm soát chất lượng môi trường và an toàn thực phẩm - thách thức và giải pháp", thu hút sự tham dự, trao đổi kinh nghiệm của gần 200 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các Hội viên của VinaLab.
Theo: Tạp chí TNNN