Siết an toàn thực phẩm chợ truyền thống (11/06/2019)

Việc đảm bảo an toàn vệ sinh chợ truyền thống là mối quan tâm lớn của người tiêu dùng. Do đó, TPHCM đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát, phát hiện kịp thời thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Song song đó, thành phố tiếp tục triển khai những giải pháp lâu dài nhằm xây dựng chuỗi chế biến, cung ứng thực phẩm sạch.

Tăng cường công tác hỗ trợ

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, chỉ tính riêng nhu cầu tiêu dùng, mỗi năm thành phố cần 200.000 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm, 132.000 tấn thủy sản, 1 triệu tấn rau củ quả. Tuy nhiên, hiện nay ngoại trừ sản phẩm động vật thì hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác nhập về tiêu thụ tại TPHCM vẫn chưa được kiểm tra, kiểm soát từ gốc, thậm chí có sản phẩm còn chưa được sơ chế tại nguồn.

Chính vì thế, để đảm bảo hoạt động ổn định cho tiểu thương tại các chợ truyền thống, trong đó có việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), mới đây, UBND TPHCM đã giao Sở Công thương triển khai các giải pháp hỗ trợ tiểu thương.


Heo kinh doanh tại chợ đầu mối Hóc Môn được kiểm soát chặt về truy xuất nguồn gốc

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, theo Sở Công thương, cùng với việc triển khai kiểm soát chặt tại chợ đầu mối, đơn vị này sẽ phối hợp với cơ quan quản lý thị trường tăng cường lực lượng kiểm tra tại 500 điểm chợ truyền thống, chợ tạm trên toàn thành phố. Đồng thời sở cũng làm việc với hệ thống cung cấp thực phẩm sạch qua kênh cửa hàng tiện lợi, siêu thị để bảo đảm đủ cung ứng cho người dân.

TPHCM cũng thực hiện ký kết với các đơn vị, tỉnh, thành khác để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm sạch; qua đó có thể kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh, nhằm có sản phẩm an toàn nhất phục vụ người tiêu dùng.

Nhiều hoạt động triển khai cụ thể

Tính đến thời điểm này, toàn thành phố có khoảng 240 chợ đang hoạt động, trong đó có tới 96% chợ truyền thống kinh doanh thực phẩm. Với số lượng chợ kinh doanh như vậy, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp của nhiều cơ quan chức năng từ cấp thành phố xuống tận phường xã, đến ban quản lý chợ một cách chặt chẽ mới có thể kiểm soát tốt theo hướng như mục tiêu đặt ra.

Một đặc điểm nữa là hầu hết các chợ được hình thành lâu đời (từ trước 1975) nên cơ sở hạ tầng đã xuống cấp. Do đó, các ban quản lý chợ, nhất là các chợ đầu mối, cần nỗ lực nhiều trong các hoạt động hỗ trợ, tập huấn cho tiểu thương về vấn đề ATVSTP.

Thời gian qua, nhiều chợ đã chủ động công tác đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn cho chợ. Đơn cử, tại chợ nông sản thực phẩm Hóc Môn (một trong 3 chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất của thành phố), ban giám đốc chợ đặt công tác đảm bảo ATVSTP lên hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ năm 2019.

Cùng với việc tuyên truyền cho tất cả thương nhân nắm rõ quy định về ATVSTP, chợ còn tổ chức kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa, phối hợp với Ban Quản lý ATVSTP thành phố kiểm tra tính pháp lý của các cơ sở sản xuất. Đơn cử như đối với thịt heo, thương nhân phải thực hiện đúng đề án nhận diện về quản lý nguồn gốc và truy xuất; rau củ quả vào chợ phải được hậu kiểm bằng việc lấy mẫu (mỗi đợt có thể lấy hơn 100 mẫu) để kiểm tra chất lượng xem có đủ tiêu chuẩn hay không.

Trường hợp phát hiện tiểu thương vi phạm, tùy theo mức độ nghiêm trọng mà sẽ bị xử phạt cảnh cáo, buộc nghỉ kinh doanh 3 ngày và nặng nhất là thu hồi giấy phép kinh doanh, nhằm tạo tính răn đe. 

Ngoài các chợ đầu mối, tại các chợ truyền thống trực tiếp bán lẻ cho người tiêu dùng như Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Thủ Đức (quận Thủ Đức), Hòa Hưng (quận 10)…, các ban quản lý chợ cũng rất tích cực trong công tác tuyên truyền đảm bảo ATVSTP trong chợ.

Theo NGỌC THÙY/saigondautu.com.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
53
Tổng truy cập:
5790054