Giảm gần 19% so với giá trúng thầu nhờ đàm phán giá thuốc
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc đấu thầu thuốc trong thời gian qua đã bảo đảm công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính trong công tác đấu thầu thuốc, ưu tiên sử dụng thuốc trong nước có chất lượng, giá hợp lý và tăng cường hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu và tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho quỹ Bảo hiểm y tế và người dân. Theo thống kê kết quả trúng thầu của các Sở Y tế, bệnh viện và viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, trị giá tiền mua thuốc đã tiết giảm được 35,5% so với quy định cũ.
Triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo quy định Luật đấu thầu năm 2013 và Luật dược năm 2016. Năm 2017, Bộ Y tế đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho 21 mặt hàng thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia sử dụng cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2018 và năm 2019 với tổng trị giá là 2.269 tỷ đồng và giảm 477 tỷ đồng (giảm 17,4%) so với tổng trị giá tính theo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước.
Bộ Y tế cũng cho biết, năm 2018 - năm đầu tiên bộ triển khai đàm phán giá đối với các thuốc biệt dược gốc Cerebrolysin, Tienam, Nexavar và Mabthera, đã tiết kiệm, giảm được 551 tỷ đồng (giảm 18,55% so với giá trúng thầu hiện tại) và các thuốc trên sẽ được cung ứng theo giá đã đàm phán tại các cơ sở y tế trong năm 2019, 2020.
Mở rộng tiến hành triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang mở rộng tiến hành triển khai đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia năm 2018 thông qua việc ban hành Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018 do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thực hiện (gồm 25 hoạt chất) và Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018 do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện (gồm 20 hoạt chất). Đây là cơ sở cho việc mua thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2019 và năm 2020 với 22 hoạt chất, tương ứng với 152 mặt hàng thuốc với tổng giá trị gói thầu là 10.250 tỷ đồng.
Đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc còn bảo hộ và những thuốc có nguy cơ độc quyền có 1-2 cơ sở sản xuất, thực hiện cơ chế quản lý giá thuốc bằng hình thức đàm phán giá thuốc theo quy định Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật Dược năm 2016.
Đối với thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của bệnh nhân ngoại trú, theo Bộ Y tế, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 đã sửa đổi quy định thống nhất mức thặng số bán lẻ của nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện công lập (2%-15%) tùy theo giá trị thuốc mua vào tính theo đơn vị đóng gói nhỏ nhất và quản lý danh mục thuốc, giá mua vào tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập theo danh mục, giá trúng thầu của chính cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và của các cơ sở y tế tuyến tỉnh trở lên.
Đối với thuốc lưu hành trên thị trường, các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc phải thực hiện công khai minh bạch giá thuốc bằng hình thức kê khai, niêm yết giá tại nơi bán thuốc theo quy định tại Luật Dược. Các cơ sở vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Theo Thái Bình/suckhoedoisong.vn