Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, từ cuối năm 2014, Cục An toàn thực phẩm là một trong những đơn vị xung phong áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đến hiện tại, Cục An toàn thực phẩm đã thực hiện cấp độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính tại đơn vị này, từ việc nộp hồ sơ của doanh nghiệp, trả kết quả hồ sơ, nộp phí... đến các văn bản chỉ đạo điều hành, quản lý...
Theo đó, mỗi một doanh nghiệp có nhu cầu cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, cấp giấy công bố sản phẩm thực phẩm, cấp hoặc đổi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đều được cấp một mã số trực tuyến riêng và chỉ doanh nghiệp đó mới có thể truy cập được. Từ đó, toàn bộ TTHC giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý sẽ được thực hiện hoàn toàn qua môi trường mạng.
Chuyên viên của cơ quan thẩm xét hồ sơ nếu yêu cầu doanh nghiệp bổ sung giấy tờ cũng phải nêu rõ lý do và thông báo công khai, minh bạch tới doanh nghiệp thông qua dịch vụ này, để doanh nghiệp biết và kịp thời bổ sung.
“Hiện nay, kể cả việc thanh toán và nộp chi phí hồ sơ cũng được thực hiện qua hình thức keypay, các doanh nghiệp không phải đến cơ quan quản lý nộp tiền. Điều này giúp các doanh nghiệp giảm rất nhiều chi phí đi lại, đặc biệt cũng thuận lợi cho cơ quan quản lý trong việc lưu trữ hồ sơ, thay vì phải lưu giữ một kho hồ sơ giấy tờ, thì giờ các hồ sơ đã được lưu hết trên máy tính”, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Cục An toàn thực phẩm đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính tại đơn vị này, từ việc nộp hồ sơ của doanh nghiệp, trả kết quả hồ sơ, nộp phí... đến các văn bản chỉ đạo điều hành, quản lý...Ảnh: VGP/Hiền Minh
Để tránh trường hợp không may gặp sự cố về mạng hoặc mất dữ liệu máy tính, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, đơn vị này đã dự phòng một phần mềm khác chạy song song với hệ thống điện tử đang thực hiện, cũng thường xuyên cập nhật và lưu giữ toàn bộ dữ liệu của đơn vị. Điều này cũng góp phần hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, khi xử lý hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, doanh nghiệp sẽ nắm được thông tin hồ sơ của mình đang được xử lý đến đâu, ai thụ lý, đến ngày nào thì được trả hồ sơ…
Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, khi nộp hồ sơ qua mạng, chậm nhất là 7 ngày làm việc, cơ quan quản lý phải trả hồ sơ đối với quảng cáo thực phẩm chức năng, 21 ngày đối với giấy đăng ký công bố sản phẩm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe....
Hiện tại, mỗi ngày, có hàng trăm hồ sơ, TTHC cũng như các văn bản chỉ đạo điều hành… của Cục An toàn thực phẩm được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Chỉ riêng trong thời gian 3 tháng gần đây, do phải viết lại phần mềm để phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP, nên Cục phải tạm dừng thực hiện các thủ tục qua môi trường mạng. Trong thời gian này, các doanh nghiệp thực hiện bản giấy. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả công việc tại Cục đã được thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Lãnh đạo Cục cũng cho biết, đơn vị này cũng đang thí điểm thực hiện kết nối một cửa quốc gia nhằm công khai số liệu đến các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, hải quan, để làm cơ sở tiến tới thực hiện kết nối một cửa ASEAN về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu.
Liên quan đến kết quả cắt giảm, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính lĩnh vực y tế, ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, riêng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có 948 điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn vị đã đề xuất bỏ hoặc đơn giản 806 thủ tục. Đến nay, Cục đã thực hiện cắt bỏ và đơn giản tới 85,2% điều kiện, chủ yếu là số lượng điều kiện đầu tư kinh doanh về quản lý thực phẩm chức năng.
Đối với số lượng thủ tục hành chính, ban đầu có 54 thủ tục, đề xuất bỏ/đơn giản 37 thủ tục, Cục đã thực hiện 68,52% các thủ tục đề xuất, chủ yếu là đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho tổ chức, cá nhân
"Các điều kiện đề xuất bỏ/đơn giản là những điều kiện chi tiết nhất tại các Nghị định và Thông tư đã được quy định tại Luật An toàn thực phẩm như Nghị định 67/2016/NĐ-CP, Thông tư 15/2012/TT-BYT, Thông tư 43/2014/TT-BYT", ông Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Theo Hiền Minh/chinhphu.vn