Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 144 Hội đồng Chấp hành (EB) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ ngày 24/01 – 1/2/2019 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Chương trình nghị sự đồ sộ
Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 144 Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế Thế giới với tư cách là thành viên của WHO, đồng thời là thành viên chính thức được bầu của Hội đồng Chấp hành WHO nhiệm kỳ 3 năm, từ tháng 5/2016 đến tháng 01/2019, đại diện cho 37 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Đây là kỳ họp cuối cùng trong nhiệm kỳ 3 năm là thành viên EB của Việt Nam.
Chương trình nghị sự năm nay của Hội đồng Chấp hành gồm rất nhiều nội dung như: Chương trình ngân sách 2020-2021; Chuẩn bị và ứng phó với y tế công cộng; Xóa bỏ bệnh Bại liệt; Thực hiện Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030; Bao phủ Chăm sóc sức khỏe toàn dân; Sức khỏe, Môi trường và biến đổi khí hậu; Thuốc, vắc xin và các sản phẩm y tế; Các vấn đề liên quan đến y tế (kháng kháng sinh; Phòng chống các bệnh không lây nhiễm; Chấm dứt bệnh Lao)…. Khung kế hoạch chuẩn bị và ứng phó với đại dịch cúm; Cơ chế của các quốc gia thành viên về thuốc kém chất lượng và thuốc giả; Nguồn nhân lực y tế; Tăng cường sức khỏe cho dân di cư; Xóa bỏ bệnh ung thư cổ tử cung; An toàn người bệnh ….
Bộ trưởng Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến tại kỳ họp lần thứ 144 Hội đồng Chấp hành (EB) của WHO
Đây là các vấn đề sức khỏe toàn cầu để các quốc gia cùng thực hiện nhằm tăng cường sức khỏe người dân và hướng đến phát triển bền vững, đồng thời cũng là các nội dung y tế chính sẽ được ra thảo luận và thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 5/2019.
Việt Nam góp tiếng nói xây dựng chính sách y tế toàn cầu
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu đánh giá cao bản báo cáo đầy đủ và toàn diện, bao gồm tất cả các vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc thực hiện những hoạt động để đạt được 3 mục tiêu của Chương trình làm việc chung lần thứ 13 của WHO.
Việt Nam đang thực hiện việc cải tổ hệ thống chăm sóc sức khoẻ, tập trung vào nâng cao sức khoẻ, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng chống các bệnh không lây nhiễm đồng thời tăng cường mạng lưới y tế cơ sở và đổi mới cơ chế tài chính và nguồn nhân lực để đạt được mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân (UHC). Cho đến nay, 87% người dân Việt Nam đã có bảo hiểm y tế. Năm 2018, Việt Nam đã vinh dự được nhận Giải thưởng của Quỹ Bloomberg về những thành tích đã đạt được trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Việt Nam cũng đã trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia để thông qua vào năm 2019.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp
Về lĩnh vực chuẩn bị và ứng phó với y tế khẩn cấp, năm 2018, đoàn đánh giá IOAC của WHO đã vào làm việc tại Việt Nam và đánh giá rất tốt công tác chuẩn bị và ứng phó với những sự kiện y tế khẩn cấp và việc thực hiện Điều lệ y tế quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam cũng đang bắt đầu thực hiện các hoạt động y tế số bao gồm cả việc áp dụng công nghệ và sáng kiến mới, đặc biệt là ứng dụng khám chữa bệnh từ xa nhằm kết nối từ tuyến trung ương đến tuyến cơ sở. Việt Nam cũng tăng cường năng lực quản lý của cán bộ y tế bao gồm các kỹ năng quản lý tài chính, quản lý bệnh viện, quản lý cơ sở hạ tầng…
Tại kỳ họp, TS. Poonam Khetrapal Singh, quốc tịch Ấn Độ đã được các thành viên Hội đồng chấp hành nhất trí phê chuẩn là Giám đốc khu vực Đông Nam Á của WHO từ tháng 2/2019 đến – 2/2023. TS. Takeshi Kasai, quốc tịch Nhật Bản đã được 100% thành viên Hội đồng chấp hành phê chuẩn chức danh là Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO nhiệm kỳ 02/2019 – 2/2023.
Đoàn đại biểu Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào các chương trình nghị sự của kỳ họp với nhiều tham luận về các vấn đề y chuẩn bị cho các kỳ họp tiếp theo của LHQ về các vấn đề y tế liên quan. Các bài tham luận của Việt Nam đều được các thành viên của Hội đồng Chấp hành đánh giá cao, góp tiếng nói của các nước đang phát triển vào việc xây dựng các chính sách y tế trên toàn cầu.
Hội đồng Chấp hành của WHO là nơi đề xuất và thảo luận các chính sách lớn về y tế trên toàn cầu, họp 2 lần/năm. Tại đây, các đại biểu sẽ bàn thảo các chính sách y tế sau đó sẽ được thông qua tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới, làm cơ sở pháp lý để các quốc gia thành viên và WHO triển khai thực hiện. Hội đồng Chấp hành của WHO gồm 34 quốc gia thành viên, đại diện cho sáu khu vực của WHO trên thế giới, có vai trò quan trọng đối với các quyết sách về y tế trên toàn cầu.
|
Theo PGS. TS. Trần Thị Giáng Hương
(Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế đưa tin từ Geneva)/suckhoedongsong.vn