VSATTP đang là một nỗi lo lớn của các ngành chức năng tại các làng nghề trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019
Vào mùa
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, làng Cổ Hoàng (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên) có nghề bánh kẹo truyền thống nổi tiếng. Những ngày này, người dân trong làng đang tất bật sản xuất đủ loại bánh kẹo: Kẹo lạc, vừng, rồi, chè lam… nhằm phục vụ thị trường Tết.
Gia đình ông Nguyễn Đăng Khoa – cơ sở chuyên sản xuất kẹo truyền thống có tiếng đã hơn 40 năm. Thời điểm này, gia đình ông đang hối hả chuyển đường, mạch nha, lạc, vừng… vốn được bảo quản cẩn thận từ cách đây hàng tháng ra xưởng sản xuất. Cơ sở của ông đang phải tăng công suất gấp đôi để kịp đáp ứng các đơn hàng đã nhận. “Gần một tháng nay, ngày nào bếp cũng đỏ lửa 24/24 mà vẫn không đủ hàng giao cho khách. Hàng ra lò đến đâu khách hàng đóng gói mang đi đến đó” – ông Khoa cho biết.
Để đảm bảo VSATTP của các làng nghề dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Sở Công Thương Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng chủ lực như bánh, mứt, kẹo, rượu, giò chả, thịt gia súc, gia cầm tươi sống… tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
|
Trên địa bàn làng Cổ Hoàng có gần 100 hộ sản xuất bánh kẹo, trong đó hơn 20 cơ sở đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại. Dịp Tết này các cơ sở đều tăng công suất lên gấp 3 - 4 lần. Dự kiến, làng nghề sẽ cung ứng cho thị trường hàng chục tấn bánh kẹo truyền thống phục vụ nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Nỗi lo an toàn thực phẩm
Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 200 làng nghề chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Không phải làng nghề nào cũng thực hiện nghiêm những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (SVATTP). Tại các làng nghề chuyên sản xuất bánh kẹo, cũng như những nơi phục vụ thực phẩm cho thị trường Tết như La Phù, Dương Liễu, Minh Khai… (Hoài Đức); Phú Nhi, Phú Thịnh, Ngư Câu (thị xã Sơn Tây), Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì), làng miến dong, bánh đa nem (Tân Hòa, Quốc Oai), kẹo lạc (Tháp Thượng, Đan Phượng)…, vấn đề vệ ATTP đã chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn không ít nỗi lo.
Tại các làng nghề miến dong, hay bánh tẻ…, việc các cơ sở sản xuất tẩy trắng hay nhuộm màu gần như không còn. Tuy nhiên, qua kiểm tra của cơ quan chức năng tại một số làng nghề cho thấy, nhiều chủ cơ sở vẫn không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ các loại phụ gia. Người lao động thiếu giấy chứng nhận sức khỏe, dụng cụ chế biến và vệ sinh chưa bảo đảm vẫn thường xuyên xảy ra.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, qua kiểm tra tại làng nghề bánh kẹo Cổ Hoàng (xã Hoàng Long, Phú Xuyên, Hà Nội), hầu hết các cơ sở sản xuất đều bảo đảm VSATTP. “Tuy nhiên, một số làng nghề bánh kẹo khác có tiếng về mất SVATTP đang khiến nhiều người lo ngại vì đây là nơi làm thời vụ, tranh thủ tiêu thụ trong dịp Tết. Bởi vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện kịp thời. Không để sản xuất ồ ạt, khi hàng ra thị trường tiêu thụ rồi mới phát hiện xử phạt… sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát triệt để…”, ông Lộc nêu rõ.
Cũng theo ông Lộc, việc đôn đốc kiểm tra các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại các làng nghề, khu dân cư được các cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán, ngoài kiểm tra theo kế hoạch, đơn vị tham gia đoàn công tác kiểm tra liên ngành về VSATTP của thành phố tập trung kiểm tra chuyên sâu tại các cơ sở chế biến, cửa hàng nông sản thực phẩm. Qua đó những khuyến cáo và định hướng cho người tiêu dùng các địa chỉ tin cậy và công bố những địa chỉ không đảm bảo VSATTP để người tiêu dùng biết không mua và sử dụng những sản phẩm đó.
Theo Trung Quân/giaoducthoidai.vn