Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến ruốc mặn trên địa bàn toàn tỉnh - Ảnh: CTV
Báo cáo của Sở NNPTNT Hà Tĩnh cho thấy, trong quá trình kiểm tra 32 lượt cơ sở sản xuất, chế biến ruốc mặn trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng chức năng lấy 20 mẫu ruốc mặn (mắm tôm) các loại tại 15 cơ sở để kiểm tra dư lượng các chất độc hại như: Chì, thủy ngân, phenol, Rhodamine. Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NNPTNT Hà Tĩnh) đã phát hiện 8 mẫu ruốc (chiếm 40%) tại 7/15 cơ sở (3 cơ sở SX ở huyện Lộc Hà và 4 cơ sở kinh doanh ở TP. Hà Tĩnh) có dư lượng Rhodamine B, được sử dụng trái phép để làm chất tạo màu.
Sau khi phát hiện các cơ sở kinh doanh ruốc tại chợ TP. Hà Tĩnh vi phạm, lực lượng chức năng truy xuất nguồn gốc, bắt quả tang 3 cơ sở sản xuất ở huyện Lộc Hà sử dụng Rhodamine B làm chất tạo màu, bao gồm: Cơ sở Nguyễn Hải Hà (200kg ruốc); Phan Thị Huệ (42kg); Nguyễn Thị Tâm (35kg). Lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng; đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ số lượng ruốc trên; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở trong thời hạn 5 tháng.
Ngoài 3 cơ sở sản xuất vi phạm trên, mới đây lực lượng chuyên môn Sở NNPTNT tiếp tục phát hiện thêm cơ sở Thuần Hoành cũng sử dụng Rhodamine B để tạo màu chế biến ruốc mặn (100kg). Vi phạm tại cơ sở này đã được bàn giao cho UBND huyện Lộc Hà xử lý.
UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành văn bản yêu cầu các ngành chuyên môn vào cuộc điều tra trên địa bàn toàn tỉnh
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phan Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Tĩnh cho hay: “Đây là hành vi vi phạm chất lượng ATVSTP mang tính chất nguy hiểm và rất nghiêm trọng. Hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc, yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATVSTP nông, lâm, thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt là trong thời điểm cận kề dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật”.
Qua tìm hiểu được biết, Rhodamin B được sử dụng trong sinh học như là phẩm nhuộm phát huỳnh quang, nó thường được kết hợp với Auramine O trong phép nhuộm rhodamin-auramin để phát hiện sinh vật kháng acid (kháng cồn toan). Tuy nhiên, Rhodamine B dùng trong công nghiệp là chất nhuộm vải, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm và không được phép sử dụng.
Rhodamine B là chất độc cấp và mãn tính. Nếu ăn phải thực phẩm có chất này vào cơ thể thì sẽ thâm nhập qua đường tiêu hóa gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng trong đó có gan, thận. Mức nhẹ có thể gây nôn mửa, hoặc ngộ độc, nếu lâu dài sẽ tích lũy có thể gây ung thư…
Theo ANH ĐỨC/laodong.vn