Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm dịp giáp Tết- Kỳ 1: Tăng cường phòng chống dịch bệnh (08/01/2019)

Thời điểm giáp Tết là khoảng thời gian thời tiết chuyển lạnh. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn phục vụ Tết Nguyên đán, cơ quan thú y Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trong năm 2018, cùng với các cố gắng của lực lượng thú y TP Hà Nội, các địa phương cũng như ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân được nâng cao, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của TP Hà Nội đã được khống chế tốt.

Tuy nhiên, một số địa phương trên địa bàn TP đã xuất hiện một số điểm có gia súc, gia cầm bị bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch nhưng nhờ thực hiện các biện pháp đồng bộ, kịp thời nên các ổ dịch đã được khống chế không để lây lan ra trên diện rộng. Do đó, không gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, hiện nay Hà Nội hiện có đầu gia súc, gia cầm lớn đứng top đầu cả nước với số lượng đàn trâu bò 180 nghìn con, đàn lợn 2,04 triệu con, đàn gia cầm 26,68 triệu con.


Cán bộ thú y tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm. Ảnh: Chi Cục Thú y Hà Nội

Nhằm bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn TP, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội phối hợp với UBND các huyện, thị xã, các cơ quan chuyên môn thực hiện đồng loạt các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm một cách hiệu quả nhất.

Theo đó, đối với các xã, huyện đã xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) cần tập trung giải pháp chống dịch LMLM trên địa bàn. Tổ chức tuyên truyền cho hộ dân thực hiện khai báo dịch bệnh khi phát hiện dịch bệnh đối với cán bộ thú y, chính quyền địa phương và qua đường dây nóng của Chi cục Thú y.

UBND xã phối hợp với Trạm thú y huyện và các ngành liên quan tổ chức tiêu hủy bắt buộc ngay toàn bộ số gia súc, gia cầm mắc bệnh để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch. Thực hiện khoanh vùng và lập trạm gác tại các trục đường giao thông để kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm vào khu vực ổ dịch. Tạm dừng việc xuất, nhập gia súc và sản phẩm gia súc cảm nhiễm ra, vào khu vực ổ dịch, tránh lây lan.

Cùng với đó, tổ chức rà soát dịch bệnh, thống kê lại toàn bộ tình hình dịch bệnh và tổng đàn gia súc, ký cam kết các hộ chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc và sản phẩm gia súc cảm nhiễm, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh, xử lý kịp thời tránh để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Đồng thời, thông tin tuyên truyền, tập huấn về các giải pháp phòng chống bệnh LMLM để người dân biết, phát hiện sớm, khai báo dịch bệnh kịp thời với chính quyền địa phương, xử lý khi ổ dịch còn ở phạm vi hẹp, tạm thời chăn thả gia súc trong thời gian có dịch. Cấp hóa chất, vắc-xin phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tăng cường giám sát dịch bệnh trên địa bàn kịp thời phát hiện để có biện pháp ngăn chặn dịch. Trang bị bảo hộ lao động cho lực lượng tham gia phòng chống dịch, thực hiện khử trùng trước và sau khi vào ổ dịch.

Bên cạnh đó, đối với các xã, huyện chưa xảy ra dịch, các xã liền kề có dịch cần tăng cường giám sát dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường. Chủ động chuẩn bị vắc-xin, hóa chất, vật tư đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Tổ chức việc tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường tại những ổ dịch, nơi nguy cơ bùng phát dịch cao và đợt tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn toàn TP. Tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh ngay từ thôn, xóm, phát hiện sớm, báo cáo, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, thực hiện sự chỉ đạo của Sở NN&PTNT, cùng với các kế hoạch thực hiện thường xuyên trong năm, thời điểm giáp Tết, hoạt động của lực lượng thú y sẽ được tăng cường. Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội đã chỉ đạo cho Trạm thú y các quận, huyện, thị xã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ sức khỏe đàn gia súc, gia cầm.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội đã cho rà soát dịch bệnh trên toàn địa bàn TP. Thực hiện tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn các xã có dịch cũng như không có dịch. Tổ chức thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT… Hiện nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã và đang triển khai đồng loạt vệ sinh tiêu độc môi trường, có 6 quận huyện đã vệ sinh tiêu độc xong, đó là huyện Ba Vì, quận Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng.

“Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, để người dân thực hiện tốt việc chủ động phòng tránh dịch bệnh, chủ động khai báo dịch bệnh”, ông Sơn cho biết.

Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội cũng khuyến cáo, hiện nay, thời tiết bắt đầu chuyển lạnh nên gia súc, gia cầm rất dễ bị nhiễm bệnh. Người chăn nuôi cần thực hiện việc giữ ấm cho đàn gia súc, gia cầm như phủ bạt giữ ấm. Heo con, gà con thì thực hiện sưởi ấm bằng cách thắp bóng điện. Tăng cường vitamin B, C cho gia súc, gia cầm cũng như cho ăn các thức ăn giàu đạm nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Theo Văn Biên/phapluatxahoi.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
44
Tổng truy cập:
5790054