Đây là một trong những nội dung quan trọng của Kế hoạch số 1350/KH-BCĐTƯVSATTP về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019 vừa được công bố.
Đoàn số 1 do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì, kiểm tra tại Ninh Thuận và Bình Thuận.
Đoàn số 2 do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chủ trì, kiểm tra tại Lào Cai và Yên Bái.
Đoàn số 3 do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chủ trì, kiểm tra tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh.
Đoàn số 4 do Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) chủ trì, kiểm tra tại Đồng Tháp và Tiền Giang.
Đoàn số 5 do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, kiểm tra tại Hà Nội và Hưng Yên.
Đoàn số 6 do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chủ trì, kiểm tra tại Lâm Đồng và Đắk Nông.
Tại các địa phương, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm cũng đề nghị thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tỉnh/thành phố đến cấp xã, phường, tập trung vào kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các địa phương có cửa khẩu, tỉnh, thành phố lớn...
Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân 2019 hướng đến mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019.
Được thực hiện từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 25/3/2019, Kế hoạch trên được triển khai nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội Xuân 2019; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, kiến thức lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân…
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, việc thanh tra, kiểm tra cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: Bánh kẹo, mứt, bia, rượu, nước giải khát; thịt cá, trứng, sữa, các loại trái cây và các dịch vụ ăn uống khác, nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP); phát hiện và cảnh báo các mối nguy về ATTP. Cương quyết xử lý nghiêm các cơ sở thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm ATTP.
Theo Cục ATTP, công tác chống thực phẩm bẩn chưa bao giờ hết “nóng”, song thực tế cho thấy, để hạn chế và từng bước đẩy lùi được nguy cơ mất vệ sinh ATTP, ngoài nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ATTP, yêu cầu đặt ra là phải có sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, các cơ quan truyền thông cùng chính quyền địa phương trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP.
Về phía người dân, cũng cần kiên quyết nói "không" với thực phẩm bẩn, đồng thời nâng cao ý thức đấu tranh, dũng cảm tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATTP.
Theo Đỗ Thoa/cpv.org.vn