Tham dự hội thảo có trên 100 đại biểu, gồm đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh Hà Giang; các HTX nuôi ong, hộ nuôi ong… Viện An toàn thực phẩm (FSI) thuộc VinaCert có TS. Lê Quang Trung, Phó viện trưởng dự và tham luận về “Kỹ thuật và quy trình đánh giá khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa của mật ong bạc hà”.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận và làm rõ “Vai trò của tổ chức tập thể trong quản lý chất lượng sản phẩm”, “Các giải pháp phát triển thị trường sản phẩm” (ông Bùi Kim Đồng, Trung tâm NC&PT Hệ thống Nông nghiệp- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam); “Kỹ thuật và quy trình truy xuất nguồn gốc mật ong bạc hà (bà Nguyễn Thị Thúy Hòa, Trung tâm Kiểm nghiệm Hà Giang); “Qui chuẩn kỹ thuật và cơ chế chính sách quản lý chất lượng mật ong bạc hà” (ông Phan Tiến Dũng, Chi Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Giang).
Trên cơ sở báo cáo tham luận, các đại biểu đã cùng thảo luận về giá trị khoa học và tính ứng dụng thực tiễn được đề cập, cùng đi đến thống nhất và khẳng định: Giá trị nổi bật của mật ong bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn là có khả năng kháng khuẩn cao và khả năng chống ô xy hóa.
Để duy trì và nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị đặc thù của mật ong bạc hà, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp:
TS. Lê Quang Trung (bên trái ảnh) trình bày tham luận tại hội thảo
Các hợp tác xã phải tập trung vào nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu khách hàng, đẩy mạnh truyền thông để phát triển sản xuất mật ong theo chuỗi; đảm bảo lợi ích của từng khâu trong chuỗi sản xuất… để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng và giá trị của sản phẩm mật ong bạc hà.
Về kỹ thuật và công nghệ, các đại biểu đánh giá cao công trình nghiên cứu để đưa giá trị đặc thù về khả năng kháng khuẩn và chống ô xy hóa của mật ong bạc hà vào Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà “Mèo Vạc” (theo Quyết định số 4089/QĐ-SHTT của Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ ngày 07/11/2018). Đây chính là cơ sở để quảng bá, nâng cao hơn nữa chất lượng và giá trị của sản phẩm mật ong bạc hà.
Theo đó, chỉ tiêu chất lượng của mật ong bạc hà Mèo Vạc đã được bổ sung chỉ tiêu kháng khuẩn và chỉ tiêu chống oxi hóa như sau:
- Hàm lượng chất kháng khuẩn Glyoxal (GO) từ 3,27 - 3,91 (mg/kg);
- Hàm lượng chất kháng khuẩn Methylglyoxal (MGO) từ 2,31 - 2,58 (mg/kg);
- Hàm lượng 9 chất oxi hóa (Gallic axit, Coumaric axit, Ferrulic axit, Quercetin, Caffeic axit, Catechin, Luteolin, DL3-Phenyllatic axit, Kaempferol) từ 0,47 - 2,48 (mg/kg);
- Khả năng chống oxi hóa tổng số (Hàm lượng Fe2+) từ 55,23-263,89 (mg/kg);
- Khả năng chống oxi hóa tổng số (Phần trăm DPPH) từ 10,02 - 16,93 %.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và quy trình truy xuất nguồn gốc có sử dụng các chỉ thị liên quan đến khả năng chống ô xy hóa của mật ong bạc hà, việc đưa ra qui trình kiểm soát chất lượng sẽ góp phần kiểm soát tối đa các hiện tượng gian lận thương mại cũng như nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm và lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm này.
Để phát triển bền vững nghề nuôi ong và sản xuất mật ong bạc hà, các đại biểu kiến nghị: Trên cơ sở các chính sách, cơ chế hỗ trợ của tỉnh, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, người nuôi ong trên vùng chỉ dẫn địa lý cần tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong việc sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, chuẩn hóa và thống nhất mẫu mã để tiếp cận và quản lý thị trường tiêu thụ đạt hiệu quả hơn.
Theo đó, việc thiết kế mẫu mã, thông tin ghi nhãn cho sản phẩm mật ong bạc hà phải đảm bảo sự thống nhất, đáp ứng tiêu chuẩn về chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà. Đồng thời, xem xét để tiếp tục có cơ chế chính sách về quản lý mật ong bạc hà nhằm duy trì, nâng cao giá trị của mật ong bạc hà cũng như giữ vững thương hiệu Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn.