Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chất lượng làng nghề sản xuất bún xã Phùng Xá, Thạch Thất
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 200 làng nghề chuyên sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, các làng nghề chưa thực hiện nghiêm túc những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ tại hộ gia đình chế biến, sản xuất thực phẩm tại những nơi không bảo đảm vệ sinh như: Gần chuồng lợn, sản phẩm được phơi vào phên tre, nứa bên lề đường nhiều bụi bặm; cống rãnh thoát nước thải chưa có nắp đậy, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan...
Bà Trần Thị Xuân, hộ sản xuất bánh kẹo ở làng nghề Cổ Hoàng (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên) cho biết, nghề sản xuất bánh kẹo là một trong những nghề truyền thống nhưng chỉ làm thời vụ (mùa đông). Do sản xuất ít nên hầu hết các gia đình làm tại nhà để thu nhập thêm, chưa tách riêng khu sản xuất với sơ chế...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang, qua kiểm tra về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất tại làng nghề cho thấy, các chủ hộ chưa bảo đảm chất lượng về nguyên liệu; không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ (mặc dù chỉ rõ nguồn cung cấp); trang thiết bị sản xuất sơ sài, giữa khu sản xuất với sơ chế không có vách chống côn trùng; một số hộ không dọn dẹp vệ sinh sau sản xuất khiến côn trùng, vi khuẩn xâm nhập, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, các hộ đều không có nhà sơ chế nguyên liệu tách biệt với khu sản xuất, nguyên liệu tập kết thô sơ (chất đống), không có thiết bị ngăn ngừa côn trùng. Một số địa phương khi kiểm tra mới chỉ dừng ở nhắc nhở mà không xử phạt hành chính, dẫn tới các đối tượng vẫn công khai sản xuất.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm; nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại các làng nghề, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, hiện nay Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Theo đó, các hộ sản xuất phải công bố chất lượng và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm trước cơ quan nhà nước. Để ngăn chặn vi phạm an toàn thực phẩm ở các làng nghề, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra gắn với hậu kiểm, đặc biệt tại những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; xử lý nghiêm vi phạm để răn đe...
Mặt khác, các chủ hộ cần cải thiện điều kiện sản xuất, kinh doanh; tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: Hạ tầng, dụng cụ, nguyên liệu, nguồn nước chế biến; tham gia các lớp tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm... Các địa phương cần quan tâm, hỗ trợ hơn nữa cho người dân ở các làng nghề về kỹ thuật, biện pháp xử lý chất thải; xây dựng cụm công nghiệp, làng nghề tập trung để đưa hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường và hàng hóa, bảo đảm an toàn chất lượng.
Theo Ngọc Quỳnh/hanoimoi.com.vn