Công ty Đông Nam Dược bị Bộ Y tế thu hồi 17 giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và quảng cáo (27/06/2018)

Công ty CP Phát Triển CN Đông Nam Dược bị thu hồi 13 giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng

Ngày 25/6, thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, Cục vừa ra quyết định thu hồi 13 giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và 4 giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty CP Phát Triển CN  Đông Nam Dược.

Công ty CP Phát Triển CN Đông Nam Dược có địa chỉ tầng 23, tòa nhà Sông Đà, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP: “Ngoài Công ty Phát Triển CN Đông Nam Dược, chúng tôi đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra đột xuất các địa chỉ khác, của những công ty tương tự. 

Sai phạm chung của các công ty này là quảng cáo, bán các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) chưa công bố, ghi nhãn sai, quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh, dùng hình ảnh nhân viên y tế để quảng cáo…


Công ty CP Phát Triển CN Đông Nam Dược quảng cáo TPCN với hàng loạt các sai phạm. Ảnh Lao động

Trong quá trình thanh, kiểm tra, chúng tôi đã tiến hành niêm phong các sản phẩm chưa công bố được bày bán ra thị trường. Đồng thời, chúng tôi đang tiến hành xác minh 3 công ty có lượng kinh doanh qua mạng lớn”.

Trước thực trạng các sản phẩm TPCN được bán và quảng cáo rầm rộ, không theo quy định trên mạng xã hội, ông Phong khuyến cáo, người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm TPCN quảng cáo dưới các hình thức như: Dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo sản phẩm; Dùng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo; Sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế để quảng cáo…

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng không nên mua, không sử dụng sản phẩm trong lúc các cơ quan thanh tra, kiểm tra đang tiến hành xác minh, xử lý vi phạm.

“Thực tế trong quá trình thanh, kiểm tra, các doanh nghiệp phủ nhận những thông tin quảng cáo, hình ảnh đăng tải trên mạng không phải là của họ. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra bức xúc, bất bình về điều này.

Trước tình hình như vậy, một số công ty dược đã chủ động rà soát thông tin, phát hiện và chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, báo cáo với Cục ATTP để tránh bị hiểu lầm và bị đánh đồng với các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng, đánh lừa người tiêu dùng.

Điển hình như trường hợp Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI có nhiều hình ảnh quảng cáo sản phẩm trên mạng tuy nhiên đại diện công ty khẳng định: các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Heposal đang quảng cáo trên các website http://ehospital.vn/, http://voila-blog.com/, http://tacdungcuathuoc.net/ không phải do công ty này thực hiện và chịu trách nhiệm về chất lượng và sẽ không được đảm bảo về chất lượng, an toàn theo công bố được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Với nhứng trường hợp như này, chúng tôi mời đại biện bên Cục Phát thanh truyền hình vào cuộc điều tra, xác minh thông tin. Hiện, chúng tôi đã chuyển 17 vụ việc sang Cục Phát thanh truyền hình.

Mặt khác, Cục ATTP cũng công bố các thông tin này trên website của Cục dưới dạng, các sản phẩm quảng cáo ở những trang như này doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm không thừa nhận nội dung quảng cáo và không chịu trách nhiệm về trang web này. Đề nghị người tiêu dùng không mua sản phẩm hiện nay đang quảng cáo như vậy” – ông Phong nhấn mạnh.


Hình thức quảng cáo TPCN trên mạng rất đa dạng và diễn biến phức tạp. Ảnh Lao động

Hơn nữa, những chiêu thức quảng cáo TPCN đang được các đối tượng sử dụng rất tinh vi trên mạng xã hội, hình thức quảng cáo đa dạng, diễn biến phức tạp nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Nhất là việc họ sử dụng hình ảnh một số người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm nhằm đánh vào tâm lý yêu thích, tin tưởng của người dân.

Về mặt pháp luật không cấm người nổi tiếng quảng cáo. Nhưng Cục trưởng Cục ATTP khuyến cáo những người nổi tiếng, khi nhận lời tham gia làm đại sứ thương hiệu cho sản phẩm, tham gia quảng cáo sản phẩm cần tìm hiểu kỹ chất lượng sản phẩm, phải hiểu các quy định của pháp luật về quảng cáo TPCN.

Tốt nhất nên chọn quảng cáo những sản phẩm có nội dung quảng cáo đã được thẩm định, sản phẩm đã được công bố rõ ràng, quảng cáo đúng sự thật, không nói quá về tác dụng sản phẩm.

Theo ông Phong, chiêu trò nguy hiểm nhất được các đối tượng bán TPCN qua mạng thực hiện là sử dụng người tư vấn không có trình độ. Thậm chí có tình trạng người làm tư vấn giả làm bác sĩ, dược sĩ, nhưng thực tế họ không có kiến thức về sức khỏe, dọa  người tiêu dùng, nói quá lên để gợi ý mua sản phẩm của họ.

Người tiêu dùng nên nhớ rằng, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giúp làm giảm triệu chứng của bệnh, hoàn toàn không có tác dụng điều trị bệnh, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Vậy nên, khi lựa chọn sử dụng sản phẩm TPCN cần tìm hiểu cẩn thận, tránh nghe và tin theo những lời quảng cáo thổi phồng sự thật để rồi gây hại cho sức khỏe.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 17 về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mai, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng, Bộ Y tế tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:

Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi phù hợp những văn bản chưa quy định về chuyên môn kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kiểm tra về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Tăng cường quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát đối với nguồn gốc, chất lượng của các nguyên liệu, các sản phẩm chăm sóc nâng cao sức khỏe con người; đề xuất thực hiện thống nhất và xã hội hóa công tác giám định, kiểm định; thực hiện kết nối một cửa quốc gia, chủ động chia sẻ thông tin về cấp phép, quản lý đối với sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, phối hợp với các cơ quan liên quan phòng chống hiệu quả buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng thuộc phạm vi quản lý.

Chỉ đạo tăng cường thanh tra công vụ đối với hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với lĩnh vực, mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; phối hợp với các cơ quan và các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, hậu kiểm, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nói trên.

Theo Linh Nhi/GIADINHMOI.VN

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
29
Tổng truy cập:
5793514