Hàng nghìn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ được phát hiện tại lò mổ Xuyên Á, TPHCM vào tháng 10.2017
Tiêm thuốc an thần phải là lúc động vật còn sống, chuẩn bị giết mổ. Và việc kiểm soát vấn đề này ở các tỉnh chưa được tốt nên lượng heo đưa vào thành phố khi thử nghiệm mới phát hiện thuốc an thần. Tình trạng này trước đây đã xảy ra ở thành phố, cụ thể là vụ gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (TPHCM). Và tình trạng này có thể đang xảy ra ở các tỉnh, có khi Cơ quan Thú y bị qua mặt.
Vậy việc kiểm soát thuốc an thần tiêm cho heo hiện nay như thế nào?
Việc mua bán thuốc an thần diễn ra khá tự do, ai cũng có thể mua được, do vậy theo tôi các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải xem lại vấn đề kiểm soát loại thuốc này. Chỉ những người có trách nhiệm, có chức năng và nhiệm vụ mới có thể mua được. Không để tình trạng thương lái hay bất cứ người dân nào cũng có thể mua về sử dụng như hiện nay.
Việc lấy mẫu để phát hiện thịt heo đã giết mổ nhiễm thuốc an thần có gặp gì khó khăn thưa bà?
Việc phát hiện tồn dư thuốc an thần thì đòi hỏi phải lấy mẫu để đi kiểm nghiệm và việc kiểm nghiệm có thể kéo dài trong vài ngày, chưa kể đến việc quá tải ở hệ thống kiểm nghiệm nếu cả trung tâm chỉ có một máy… Vì vậy, đối với BQL ATTP thành phố, nếu như kiểm tra, kiểm soát ở các chợ đầu mối, chúng tôi sẽ dùng test nhanh để sàn lọc trước, quá trình sàn lọc thấy dương tính với thuốc an thần sẽ lấy mẫu này đi kiểm nghiệm. Lúc này sẽ phải lưu kho toàn bộ số thực phẩm, trường hợp đem đi kiểm định mà không phát hiện dương tính (mặt hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm) thì có thể bị thương lái kiện ngược lại. Đây là cái khó trong việc kiểm tra thực phẩm tươi sống.
Nếu phát hiện thịt heo đã giết mổ có tồn dư thuốc an thần thì xử lý ra sao?
Khi Cơ quan Thú y phát hiện tiêm thuốc an thần thì vấn đề không dám tiêu hủy vì bị vướng ở Nghị định 90, có một điều khoản quy định rằng, chỉ bắt buộc tiêu hủy trong trường hợp chất tồn dư trong thịt vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép của Bộ Y tế. Trong khi thực tế, Bộ Y tế chưa đưa ra một ngưỡng giới hạn nào hết. Chính vì vậy mà vừa qua, Sở Tư pháp TPHCM đã phải có văn bản gửi UBND TP lấy ý kiến các sở ngành đề nghị Bộ Y tế khẩn trương đưa ra ngưỡng giới hạn cho phép để có căn cứ xử phạt, tiêu hủy.
Theo bà làm thế nào để không còn xảy ra tình trạng heo bị tiêm thuốc an thần?
Trong vấn đề tiêm thuốc an thần cho heo chúng ta phải phòng từ nguồn, chủ yếu là trong vấn đề kiểm soát giết mổ không để xảy ra việc tiêm thuốc an thần. Nếu như không may đã tiêm vào rồi, thì việc kiểm tra dư lượng ở thịt là đã quá muộn. Tôi cho rằng việc kiểm soát thuốc an thần chủ yếu phải tập trung giám sát, kiểm tra chặt chẽ ở khâu giết mổ, đây là vấn đề trách nhiệm giám sát của Cơ quan Thú y tại các lò mổ. Để hạn chế vấn đề này, đòi hỏi phải tiến tới lò mổ hiện đại, lắp camera, tăng cường năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ thú ý. Còn khi phát hiện thì phải xử phạt thật nghiêm, thậm chí xử lý hình sự, chứ xử phạt vi phạm hành chính thì chưa đủ răn đe…
Xin cảm ơn bà!
Theo KIM ĐỒNG/laodong.vn