Đảm bảo an toàn cho bữa ăn tập thể: Cần chế tài mạnh tay! (15/05/2018)

Thời gian qua kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể nhưng “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn khá hạn chế.


Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh minh họa nguồn Internet)

Mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường công tác quản lý, nhưng tình hình vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn diễn biến phức tạp, các vụ ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các bữa ăn tập thể vẫn thường xuyên xảy ra.

Ẩn họa từ dịch vụ nấu ăn lưu động

Trong mùa hè, với thời tiết nóng và ẩm, các trang thiết bị bảo quản không đầy đủ, không bảo đảm vệ sinh, gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, chế biến thức ăn không gia nhiệt kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm rất cao, nhất là thức ăn được chế biến có nguồn gốc động vật và các loại thực phẩm có nhiều dầu, đạm như thịt, cá, hải sản, sữa…

Đồng thời, thời tiết nóng và ẩm làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh, ruồi nhặng, chuột… là vấn đề đáng lo ngại về sức khỏe đối với một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng,...

Cùng với đó, vài năm gần đây, dịch vụ nấu ăn lưu động cho các bữa cỗ lớn đã trở thành sự chọn lựa của nhiều gia đình từ nông thôn tới thành thị, kể cả khu vực các bản vùng sâu, vùng xa. Do đó, với đặc thù của dịch vụ nấu ăn lưu động là không có địa điểm cố định, các cơ sở nấu ăn thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức đám tiệc. Trong quá trình vận chuyển thực phẩm rất dễ bị nhiễm bẩn do thực phẩm sống - chín để lẫn lộn, dụng cụ bảo quản không đảm bảo vệ sinh và không được che đậy kín. Ngoài ra, nấu ăn lưu động là loại hình bếp ăn tập thể, phục vụ nhiều người cùng một lúc nên rất khó tránh khỏi nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tập thể.

Điển hình một vụ ngộ độc gần đây nhất khiến hơn 300 người ngộ độc tại một đám cưới tại bản Nà Mền (Nậm Tý – Sông Mã – Sơn La) chiều ngày 6/5 khi dự cỗ một đám cưới trong bản. Sau khi ăn cỗ cưới, nhiều người có triệu chứng ngộ độc thực phẩm như đau bụng, buồn nôn, chóng mặt. Nguyên nhân ban đầu được xác định, qua kết quả nuôi cấy, xét nghiệm 17 mẫu phẩm lấy của các bệnh nhân, có trực khuẩn thương hàn (Salmonella). Vụ việc tiếp tục một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về câu chuyện ngộ độc thực phẩm đặc biệt là ngộ độc tại các bữa ăn tập thể, tập trung đông người.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có tới 400 bệnh lây qua đường thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, tiêu chảy, thương hàn... Đáng lo ngại nhất, tình trạng ngộ độc mạn tính, độc chất gây hại tích lũy trong cơ thể lâu dài, có thể gây ra những bệnh nguy hiểm khác, trong đó có bệnh ung thư. Ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh đối với cộng đồng, người lao động. Tuy nhiên, việc kiểm soát vẫn gặp không ít khó khăn, chưa kiểm soát được từ gốc.

Cứ mỗi vụ ngộ độc xảy ra, ngành chức năng lại có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là tại bếp ăn tập thể các đơn vị, khu công nghiệp. Nhưng số vụ ngộ độc thực phẩm cũng vẫn tiếp diễn ở mọi nơi, đặc biệt, việc sử dụng hóa chất độc hại trong bảo quản, chế biến thực phẩm, việc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

“Thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn hạn chế

Qua những vụ ngộ độc tập thể xảy ra, có nhiều  ý kiến cho rằng nguyên nhân bữa ăn tập thể kém chất lượng là do nhiều cơ sở nấu ăn tiết giảm chi phí dẫn đến việc lựa chọn đầu vào thực phẩm kém chất lượng hoặc do quá trình chế biến, bảo quản thức ăn dẫn đến nhiễm vi sinh,.. Từ đó dẫn đến nguy cơ thực phẩm kém chất lượng, gây ngộ độc tập thể do ăn phải món không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, việc thiếu kiểm tra, giám sát trong khâu chế biến dẫn đến thực phẩm kém vệ sinh, bị nhiễm khuẩn vẫn xảy ra nhiều ở một số bộ phận của cơ sở chế biến...

Theo kết quả điều tra của Cục An toàn thực phẩm, kiến thức của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng thực phẩm đang được nâng cao đáng kể nhưng “thực hành đúng” về an toàn thực phẩm còn khá hạn chế. Thói quen “đơn giản” trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến, không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, kinh doanh thức ăn đường phố ở địa điểm ô nhiễm, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm… thì sẽ gia tăng nguy cơ xảy ra ngộ độc và các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, những hành vi kiến thức của người dân, của nhà quản lý, nhà sản xuất kinh doanh đã được nâng lên cao, tuy nhiên, từ kiến thức chuyển đổi sang hành vi vẫn đang còn là một vấn đề rất lớn. Rất nhiều người sản xuất hiểu thế nào là thực phẩm an toàn cũng như làm thế nào cho thực phẩm an toàn, nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp vì đạo đức kinh doanh, vì lợi nhuận họ chưa làm điều đó. Bản thân người tiêu dùng khi được hỏi về an toàn thực phẩm thì rất lo lắng, quan tâm rất muốn tìm hiểu thông tin nhưng thực hành tại nhà chưa chắc đã thực hiện đúng.

Qua đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm, người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; bảo đảm vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”...

Theo Hoa Nguyễn/baophapluat.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
35
Tổng truy cập:
5793514