Hà Nội sẽ thắt chặt an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người. Ảnh minh họa: TTXVN
Với việc hướng dẫn, tuyên truyền, ký cam kết, giám sát việc bảo quản thực phẩm… bước đầu mô hình này đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến từ ý thức đến hành vi cho người dân, góp phần ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
*Tồn tại nhiều nguy cơ
Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết, hiện nay, việc quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã được chú trọng, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là các huyện ngoại thành, các tiệc hiếu hỷ, tổ chức các sự kiện, bữa cỗ ma chay… diễn ra phổ biến nhưng lại chưa được kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó vẫn tồn tại nhiều hạn chế.
Ở huyện Quốc Oai, 98% gia đình tự nấu cỗ, 2% thuê đội nẫu cỗ; nguyên liệu thực phẩm như: thịt, cá, rau củ, rượu đều mua tại các chợ không có hợp đồng, hóa đơn, không rõ nguồn gốc, Người dân còn xuề xòa, thiếu kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo đại diện Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai, mỗi năm toàn huyện có tới chục nghìn bữa cỗ với hàng trăm nghìn người ăn. Việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người là hết sức cần thiết và cần triển khai nhân rộng.
Theo anh Lê Trung Tiên – Trưởng thôn Trung, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, do hầu hết người chế biến thực phẩm là người trong gia đình, anh em, họ hàng, làng xóm tham gia nên kiến thức thực hành về an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Tại các bữa cỗ việc lưu mẫu chưa đầy đủ. Thực phẩm mua về tự chế biến nên không có hợp đồng, ký nhận, chỉ ghi địa chỉ nơi bán thực phẩm vào sổ hoặc giấy. Cán bộ đi tư vấn, giám sát đến gia chủ còn e dè, sợ trách nhiệm.
Việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm bữa cỗ đông người của cơ quan quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Là người trực tiếp quản lý ở địa phương, ông Đặng Văn Thủy – Phó trưởng phòng y tế huyện Phú Xuyên cho biết, do thời gian, địa điểm của các đội nấu cỗ lưu động không cố định như ở nhà hàng nên cơ quan chức năng rất khó kiểm soát, quản lý.
Qua tìm hiểu thì giữa gia chủ và cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu cỗ thường chỉ thỏa thuận miệng về thực đơn, số mâm, giá cả chứ không cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo quy định, các bữa cỗ tâp trung đông người phải thực hiện chế độ lưu mẫu thực phẩm ít nhất 24 giờ kể từ khi thức ăn được chế biến xong nhưng còn một số cơ sở dịch vụ nấu cỗ chưa thực hiện việc lưu mẫu đầy đủ, nên khó khăn cho việc xác định nguyên nhân gây ngộ độc khi có sự cố hay ngộ độc thực phẩm xảy ra.
*Phát huy hiệu quả mô hình
Để ngăn ngừa các vụ ngộ độc từ bữa cỗ đông người xảy ra, 2 năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm tại 30 xã, phường thuộc 4 quận, huyện: Thanh Oai, Phú Xuyên, Quốc Oai và Long Biên.
Anh Lê Trung Tiên, trưởng thôn Trung, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên cho biết, qua việc nắm bắt thông tin cũng như tiếp cận với chủ hộ để gia đình hợp tác trong việc kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, đối với những gia đình có cỗ trên 60 người đến ăn đều được cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tư vấn cách lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn. Nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm được nâng lên, đặc biệt là các gia đình tổ chức bữa cỗ.
Qua 2 năm triển khai mô hình đã tạo được những chuyển biến rõ nét trong việc tổ chức nấu cỗ tại các gia đình ở các địa phương, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào liên quan đến bữa cỗ đông người.
Các điều kiện an toàn thực phẩm bữa cỗ được cải thiện, trên 85% bữa cỗ tập trung có nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm rõ ràng, thực phẩm sống, chín để riêng biệt đạt tỷ lệ 77,7%, thức ăn được đặt trên bàn cao, che đậy, 100% thực phẩm sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế.
Các tổ giám sát an toàn thực phẩm của xã đã đến nhà có bữa cỗ để tuyên truyền, hướng dẫn gia đình thực hiện các tiêu chí an toàn thực phẩm, từ khâu vệ sinh sạch sẽ, đến địa điểm chế biến, che chắn chống bụi, côn trùng. Trong ngày tổ chức đám cưới, tổ cũng đến giám sát việc bảo quản thức ăn chín trước khi bày ra mâm và yêu cầu lưu mẫu thức ăn tại gia đình.
Tuy nhiên, theo Phó trưởng phòng y tế huyện Phú Xuyên Đặng Văn Thủy, qua triển khai thí điểm ở 10 xã trong huyện cho thấy, để kiểm soát quản lý được các cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu cỗ không thể thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Trong quá trình triển khai cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan và UBND các xã trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức và các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm. UBND thành phố cũng cần phân cấp trách nhiệm quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm trong các bữa cỗ tập trung đông người để nâng cao hiệu quả quản lý.
Theo đánh giá của ngành y tế, năm 2017, tuy số người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn cả nước đã giảm so với năm 2016 nhưng tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, nhất là các vụ ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn, bếp ăn trường học, ngộ độc thực phẩm ở đám cưới, do độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, cóc, độc tố vi nấm trong bánh trôi ngô, độc tố cây rừng…) và đặc biệt là ngộ độc methanol trong rượu. Ngộ độc tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp trường học vẫn có xu hướng tăng và khó kiểm soát.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, để ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, từ những thành công ban đầu của mô hình, năm 2018, Hà Nội tiếp tục triển khai mô hình tại 30 xã thuộc 4 quận, huyện trên và nhân rộng thêm 6 huyện khác trên địa bàn. Đảm bảo 100% bữa cỗ tập trung đông người tại các xã triển khai thí điểm được kiểm soát an toàn thưc phẩm./.
Theo Tuyết Mai/TTXVN