Phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh: Chưa chặt chẽ, nhiều vướng mắc (23/04/2018)

Hiện nay, nông sản, thực phẩm của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ có khối lượng khá lớn. Tuy nhiên, công tác phối hợp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh, thành phố còn nhỏ lẻ, nông dân chưa áp dụng đúng quy trình sản xuất. Trong đó, các cơ sở sản xuất theo mùa vụ, thường xuyên biến động gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.


Cần tăng cường phối hợp quản lý chất lượng ATTP nông, lâm, thủy sản theo chuỗi sản xuất. Ảnh: Hải Anh

Khó kiểm soát vì sản xuất nhỏ lẻ

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của thành phố về kiểm tra, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản các tỉnh cung cấp về Hà Nội, thời gian qua Sở đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Trung bình mỗi năm, nông sản thực phẩm ở các tỉnh, thành phố đưa về hệ thống siêu thị, cửa hàng của Hà Nội hàng trăm nghìn tấn như: Tỉnh Nam Định tiêu thụ 150 tấn giò 7 phút Nam Phát; 2.000 tấn gạo sạch Toản Xuân; tỉnh Sơn La tiêu thụ 1.165 tấn rau, củ, quả; Tuyên Quang tiêu thụ 616 tấn cam sành Hàm Yên…

Tuy nhiên, do thông tin một số cơ sở kinh doanh của các tỉnh cung cấp cho Hà Nội luôn thay đổi, chưa cập nhật kịp thời nên gây khó khăn cho công tác phối hợp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết: Hiện sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh, thành phố vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ, thường xuyên biến động, số lượng cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến: GMP, SSOP, HACCP còn ít.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở hầu hết các tỉnh, thành phố còn chậm, công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng. Công tác kiểm soát quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển của một số tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội con giống đạt 80%; thịt thương phẩm được khoảng 60%, chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó, khi các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành kiểm tra về vệ sinh an toàn vẫn phát hiện một số mẫu vi phạm về chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Đối với các mẫu vượt ngưỡng có nguồn gốc ở các tỉnh, thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thông báo kịp thời trở lại để các tỉnh để điều tra, truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại cơ sở có mẫu vi phạm để có giải pháp khắc phục quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô.

Về phía các tỉnh, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định Hoàng Thị Tố Nga, thời gian qua, Nam Định và Hà Nội phối hợp mạnh mẽ trong vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều mặt hàng như: Gạo Bắc thơm Nam Định, ngao sạch Giao Thủy, chả cá Hùng Vương… được tiêu thụ tại Thủ đô.

Tuy nhiên, việc quản lý an toàn thực phẩm còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, công nghệ chế biến thực phẩm lạc hậu, quy mô hộ gia đình. Việc quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn còn vướng mắc, nhất là khâu thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ nhiễm kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, còn yếu...

Tăng cường quản lý theo chuỗi

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác phối hợp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tăng cường phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi sản xuất để xác nhận sản phẩm an toàn. Trong đó, các tỉnh tham gia quản lý khâu sản xuất, sơ chế ban đầu, Hà Nội quản lý khâu chế biến, kinh doanh và ngược lại.

Đồng thời, phối hợp định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội và Hà Nội đi các tỉnh. Bên cạnh đó truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các tỉnh, thành phố khi có vấn đề về an toàn thực phẩm. Các tỉnh, thành phố chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, sản phẩm đặc sản an toàn chủ lực của từng địa phương với Hà Nội; gắn chặt liên kết vùng để tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn sản xuất VietGAP, nhằm tạo ra những mặt hàng nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nói chung, đặc biệt là quản lý sản xuất mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Mặt khác cung cấp thông tin chính xác về địa chỉ, điện thoại, người đại diện của cơ sở sản xuất tham gia chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn để thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát, kiểm tra chất lượng và truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông sản.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng Phạm Văn Lập, để nâng cao công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, Hải Phòng tiếp tục chú trọng kết nối xây dựng chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc đối với một số sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của Hải Phòng như: Nước mắm, rau an toàn, tôm, cá nhuyễn thể... đồng thời, nâng cao công tác quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản để các sản phẩm, thực phẩm của Hải Phòng cung cấp cho Hà Nội được bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo Ngọc Quỳnh/hanoimoi.com.vn

Share on Facebook   Share on Twitter Share on Google Share on Buzz
VIỆN AN TOÀN THỰC PHẨM (FOOD SAFETY INSTITUTE)

Địa chỉ: Tầng 4, tòa nhà 130 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 0243.662.1891 - Fax: 0243.633.1137

Email: info@fsi.org.vn

| | |
Copyright © 2014 FSI - All Right Reserved.
Đang online:
80
Tổng truy cập:
5793514